Từ sau khi áp dụng "Biến pháp Thương Ưởng", nước Tần chưa từng dừng các cuộc chinh phạt, nhất là vào thời kỳ cai trị của Tần Chiêu Tương Vương. Chỉ một mình đại tướng quân Bạch Khởi đã đủ để khiến 6 nước phải khiếp sợ, đặc biệt là trận Trường Bình chôn sống 40 vạn tướng sĩ nước Triệu. Quả thật xưa nay hiếm có tướng lĩnh nào giết địch nhiều tới như vậy.
Đến thời kỳ Tần Thuỷ Hoàng, nước Tần lấy thế mạnh như chẻ tre, lần lượt tiêu diệt 6 nước, kết thúc cục diện chư hầu cát cứ, thực hiện khát vọng thống nhất thiên hạ.
Thế nhưng bắt đầu từ khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất tới sau khi nhà Tần sụp đổ, chỉ vỏn vẹn kéo dài được trong thời gian 15 năm.
Nước Tần làm được cả việc khó khăn như tiêu diệt 6 nước, cớ sao sau khi lập nên triều đại lại nhanh chóng rơi vào diệt vong đến như vậy?
Trên thực tế, khi chúng ta nghiêm túc sắp xếp lại vấn đề, sẽ nhận ra rằng nguyên nhân sụp đổ của nhà Tần có liên quan đến 3 điểm dưới đây.
Nhà Tần trị quốc bằng tư tưởng Pháp gia, mà tư tưởng này dễ rơi vào cực đoan, thường sẽ áp dụng một số phương pháp vô cùng bạo lực để tiến hành cai trị.
Trong tư tưởng Pháp gia, họ cho rằng chỉ có dân yếu thì mới có thể thúc đẩy luật lệ được tốt hơn, từ đó xuất hiện quan niệm "Dân không cần thương, tô huế không cần nhẹ".
Nếu vào thời kỳ Tần thống nhất 6 nước, có lẽ tư tưởng Pháp gia còn mang lại được tác dụng tích cực, nhưng sau khi thống nhất vẫn tiếp tục sử dụng tư tưởng Pháp gia, sẽ tồn tại thiếu sót rất lớn.
Hễ người dân mắc phải một chút sai lầm, hở ra là "đều phải giết", cả nhà phải chịu tội vạ lây. Về lâu về dài, chẳng ai chịu được được hình phạt như vậy.
Điều này hiển nhiên sẽ khiến cho người dân khắp nơi đều bất mãn, cho dù không dám công khai nói ra, trong lòng chắc chắn sẽ sinh ra nỗi căm hờn.
Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải việc tại sao về sau Trần Thắng và Ngô Quảng có thể lôi kéo thành công một lực lượng quân khởi nghĩa nông dân.
Để xây dựng hoàng lăng của mình, Tần Thuỷ Hoàng không tiếc điều động tới hàng chục vạn nhân công khắp cả nước, khiến cho rất nhiều gia đình mất đi lao động trẻ khoẻ.
Hơn nữa, Tần Thuỷ Hoàng còn cho đại tu cung A Phòng để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của mình, cũng gây nên đau khổ cho dân chúng.
Ngoài ra lượng tiền bạc khổng lồ cần dùng tới cũng đều bóc lột từ người dân. Với chính sách tàn bạo như thế, dân chúng khắp cả nước sao còn có đường sống?
Đồng thời, để thống nhất tư tưởng, Tần Thuỷ Hoàng thậm chí còn cho đốt sách chôn Nho. Điều này đã gây cản trở vô cùng lớn cho sự phát triển của văn hoá xã hội, đồng thời cũng chấm dứt quyền góp ý kiến của những tư tưởng khác.
Tuy rằng về mặt hình thức đã thống nhất được tư tưởng của dân chúng, nhưng trong lòng người dân lại chống đối, đặc biệt là những phần tử trí thức khi ấy. Họ quả thật đã hoàn toàn thất vọng trước sự cai trị của nhà Tần, chỉ mong sao nhà Tần sớm ngày diệt vong.
Văn hoá nước Tần và 6 nước còn lại hoàn toàn khác nhau. Sau khi nước Tần thống nhất Trung Hoa, hoàng đế vẫn cai trị theo đường lối trước đây.
Điều này đã đem lại một sự khủng hoảng cho người dân 6 nước cũ, thiết chế văn hoá quen thuộc của họ trước kia đã đều bị loại bỏ, thay vào đó là một thiết chế xã hội hoàn toàn mới.
Điều này khiến người dân rất khó thích ứng được trong thời gian ngắn, đặc biệt là các luật lệ hà khắc của nhà Tần, gây ra tổn thương rất sâu sắc cho người dân.
Ngoài ra, người dân còn phải gánh chịu nỗi đau đớn do chế độ lao dịch để xây dựng những công trình như Trường Thành, lăng Lệ Sơn. Điều này càng khiến người dân có tâm lý chống đối.
Theo thời gian, thứ cảm xúc bị kìm nén cuối cùng cũng sẽ bùng nổ, một khi bùng nổ thì hậu quả khó mà tưởng tượng. Đây chính là nguyên nhân tại sao nhà Tần rơi vào tay Tần Nhị Thế chưa tới hai năm đã bị đánh đổ.