Trong những ngày qua, thông tin giá sách giáo khoa mới tăng gấp 3 lần đang khiến dư luận xôn xao. Cụ thể theo NXB Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ sách giáo khoa lớp 7 có giá từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ sách giáo khoa lớp 10 có giá từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá, Bộ Tài chính cho hay: "Giá sách giáo khoa là chủ đề được bàn rất nhiều lần. Theo tôi, sách giáo khoa là đối tượng cần được bảo trợ và quản lý chặt, tránh hiện tượng nâng giá. Ngay cả một số nước, sách giáo khoa còn được cấp phát hoặc cho học sinh mượn chứ không phải bán với giá cao. Tuy nhiên, hiện nay sách giáo khoa đang được xã hội hóa. Việc đấu thầu cạnh tranh phải theo thị trường nên việc quản lý sẽ khó hơn".
Theo PGS.TS Ngô Trí Long: "Nhà nước nên quy định giá trần. Phải bóc tách, kiểm soát các khâu biên soạn nội dung, in ấn, phát hành. Sách được in giấy đẹp, khổ to nhưng khâu in ấn có sự cạnh tranh không hay các đơn vị tự tính chi phí, chưa kể liệu có vấn đề tiêu cực nâng giá thành.
Giá sách giáo khoa cao gấp 3 lần sẽ khiến cho nhiều gia đình khó khăn, đặc biệt gia đình nông thôn, miền núi rất khó khăn. Đối tượng trung lưu và thượng lưu thích hình thức đẹp thì mua một bộ sách sẽ không vấn đề gì. Nhưng hiện nay nhiều gia đình thu nhập thấp, phải tính toán chi tiêu cho từng đồng. Đây là vấn đề cần phải bàn một cách nghiêm túc để đảm bảo lợi ích cho tất cả con em đi học".
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, sách giáo khoa ở bậc phổ thông nên được nhà nước bảo trợ, còn sách ở bậc đại học có thể theo giá thị trường.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt trước chủ đề nóng về giá sách giáo khoa mới hiện nay, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay: "Bộ Tài chính cần khống chế, quản lý giá không được để thả nổi, tự do. Không thể ép công ty sản xuất với mức giá thấp quá vì khi bị lỗ sẽ không bên nào tham gia, nhưng cũng phải quản lý để đơn vị sản xuất không được lời quá. "Giá nào, vật ấy", sách in đẹp hơn, khổ to hơn, nội dung hay hơn thì giá thành cao hơn cũng là điều chấp nhận được bởi học sinh đang được học tập tốt hơn. Cả 2 bên phải đảm bảo quyền lợi của nhau".
Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, điều quan trọng hiện nay là các trường cần có thư viện dùng chung. "Nhà nước nên bỏ tiền ra xây dựng tủ sách cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. Còn các trường trên cả nước nên vận động học sinh sau khi sử dụng sau 1 năm thì có thể tặng lại cho nhà trường tạo thư viện. Từ nguồn này, nhà trường sẽ cho học sinh khóa sau mượn sách. Một năm có 30% học sinh tặng sách thì chỉ sau vài năm 100% học sinh của trường sẽ không phải mua sách. Cha mẹ không cần mua sách đầu năm học mà dùng sách của nhà trường thì dù là người nhà giàu cũng ủng hộ".
Theo chia sẻ, trong khoảng thời gian PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ làm Thứ trưởng Bộ GDĐT từ năm 1981-1997, ông đã cho mở rộng thư viện trong các trường học. Tất cả các trường học đều có thư viện và đào tạo cán bộ thư viện. PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc tặng sách tạo thư viện trong trường không chỉ tiết kiệm về kinh tế cho gia đình, xã hội mà còn giáo dục ý thức cho học sinh sử dụng vật chất không bị lãng phí.
Chia sẻ từ NXB Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa của đơn vị này thấp hơn trung bình 20% so với giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác. NXB Giáo dục Việt Nam lý giải, lý do giá sách giáo khoa mới như vậy là được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn, khổ sách 19x26,5cm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, NXB Giáo dục Việt Nam đã đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học.