Phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này, chủ các phương tiện vi phạm không bị xử lý ngay khi vi phạm luật mà hình ảnh vi phạm sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý.
Một số cách tra cứu phạt nguội đơn giản
Cách 1: Tra cứu phạt nguội trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam
Nhiều lái xe không biết lỗi vi phạm khi điều khiển ôtô đã bị cơ quan chức năng ghi lại. Tránh việc bất ngờ khi phải đóng thêm một khoản tiền phạt, và tránh mất thời gian bị từ chối Đăng kiểm hoặc được kiểm định 15 ngày để đi đóng tiền phạt nguội do đó các chủ phương tiện, lái xe có thể tra cứu thông tin phạt nguội theo hướng dẫn của Cục Đăng Kiểm Việt Nam dưới đây:
Bước 1: Truy cập cổng thông tin:
http://www.vr.org.vn/ptpublic/
Bước 2: Nhập biển kiểm soát xe vào ô "Biển đăng ký". Đối với xe biển 5 số (biển trắng) thêm chữ T (ví dụ: 30E12345T), biển xanh thêm chữ X.
Bước 3: Nhập số của giấy chứng nhận kiểm định vào ô "Số tem, giấy chứng nhận hiện tại". Tài xế xem số này ở trên dấy chứng nhận ATKT& BVMT hoặc trên tem kiểm định dán trên kính lái. Với số tem, giấy chứng nhận nhập dấu cách (-) giữa chữ cái và chữ số (ví dụ: KC-1708901).
Bước 4: Nhập mã xác thực vào ô "Mã xác thực".
Bước 5: Nhấn nút "Tra cứu".
Bước 6: Xem các lỗi vi phạm ( nếu có) bên dưới dòng "Thông báo của cơ quan chức năng liên quan đến phương tiện". Trường hợp không có thông báo nghĩa là xe không bị phạt nguội.
Cách 2: Tra cứu, kiểm tra xem phương tiện có bị phạt nguội hay không trên trang thông tin chính thức của Cục Cảnh sát giao thông.
Để tra cứu, bạn nên thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ http://www.csgt.vn/
Bước 2: Chọn mục "Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh" (nằm phía bên phải màn hình)
Bước 3: Nhập thông tin theo yêu cầu gồm biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện (ô tô hoặc xe máy).
Bước 4: Nhập mã bảo mật (Cụm ký tự chữ và số bên cạnh ô trống). Sau đó, nhấn "Tra cứu" để tìm kết quả.
Bước 5: Hệ thống sẽ hiển thị kết quả. Nếu phương tiện của bạn không bị phạt nguội thì màn hình sẽ hiện dòng chữ "Không tìm thấy kết quả". Nếu có vi phạm thì tất cả thông tin về vụ vi phạm sẽ hiện lên.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn luật sư TP.Hà Nội - cho biết, phần lớn những lỗi giao thông thì đối tượng hướng tới để xử phạt là người điều khiển phương tiện. Trong trường hợp cho thuê, chủ xe cho thuê nếu bị phạt nguội sẽ là người được liên hệ xử lý, vì đó là thông tin duy nhất mà cơ quan chức năng có để ra quyết định xử phạt.
Như vậy, đây là mối quan hệ giữa 3 bên gồm cơ quan Nhà nước, chủ xe và người thuê. Giữa chủ xe và người thuê tài sản với giá trị lớn như ôtô, chắc chắn sẽ có hợp đồng và trong đó sẽ có các điều khoản về trách nhiệm khi xảy ra va chạm, hỏng hóc, thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính.
Theo luật sư Thái, sẽ có 2 phương án để xử lý trong trường hợp cho thuê xe tự lái dính phạt nguội.
Một là liên hệ người thuê yêu cầu hoàn trả tiền nộp phạt, nếu bên thuê không trả thì khởi kiện dân sự.
Hai là người cho thuê phòng trước đó bằng hợp đồng và cọc tiền, sau khi nhận bàn giao xe thì quy định từ sau 10 - 20 ngày để nhận lại cọc. Trong thời gian đó, chủ xe kiểm tra phạt nguội, đồng thời chủ động khấu trừ tiền cọc nếu phát sinh nghĩa vụ hành chính trong khoảng thời gian thuê này.
Trong hợp đồng cho thuê xe tự lái thường có thông tin của người thuê xe, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người này ở cố định một địa chỉ đã nêu trong hợp đồng. Vì vậy, khi nhận thông báo về phạt nguội chưa chắc đã liên hệ được với người thuê.
Đối với những loại xe cho thuê xe tự lái, quyền và nghĩa vụ của hai bên từ ngày nào đến ngày nào thì người thuê xe sẽ phải chịu trách nhiệm, điều khoản này phải nêu rõ trong hợp đồng.
Sau thời hạn khách hàng trả xe, người cho thuê cần giữ một khoản cọc lại thời hạn khoảng 15 ngày sau sẽ trả lại cho khách. Thời điểm này chủ sở hữu phải kiểm tra trên hệ thống hành chính để kiểm tra trên lộ trình người thuê xe đi có bị phạt hay không.