Trong kiến nghị gửi UBND TP.HCM, một loạt doanh nghiệp bất động sản cho hay đang gặp khó với các dự án vì phải chờ tuyến đường Vành đai 2.
Một trong các dự án đang "đứng hình" chờ đường Vành đai 2 là khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Đất Phương Nam (tại phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức).
Theo tìm hiểu, dự án có diện tích 8.303,7m2 và có nguồn gốc đất tư nhân do công ty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ dân đã cập nhật đăng bộ sang tên (có đất ở và đất nông nghiệp). Khu đất phù hợp quy hoạch 1/2000 để đầu tư dự án nhà ở chung cư cao tầng.
Từ tháng 6/2021, công ty này triển khai thủ tục đầu tư và đã được Sở Kế hoạch Đầu tư thụ lý lấy ý kiến các Sở ngành. Đến nay các Sở, ngành đã có văn bản ý kiến, riêng Sở Tài nguyên Môi trường vẫn chưa có ý kiến. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đến nay Sở Tài nguyên Môi trường chưa có ý kiến, Dự án còn gặp khó khăn vướng mắc về kết nối giao thông.
Theo đó, hiện hữu chỉ có đường nội bộ kết nối vào dự án lộ giới khoảng 4m thì hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 đầu tư hoàn thiện.
Tương tự, một dự án khác là Khu dân cư phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thiên Phúc Lợi.
Dự án có diện tích 5,11ha và có nguồn gốc đất tư nhân do công ty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ dân. Khu đất phù hợp quy hoạch 1/2000 để đầu tư dự án nhà ở chung cư cao tầng.
Hiện nay, công ty đang triển khai thủ tục đầu tư, tuy nhiên do gặp khó khăn vướng mắc về kết nối giao thông, theo đó hiện hữu chỉ có đường nội bộ tạm kết nối vào dự án thì hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 đầu tư hoàn thiện.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, "ông lớn" Hưng Thịnh cũng gặp khó vì đường Vành đai 2 ở Dự án Khu đất tại Phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức.
Cụ thể, dự án có diện tích 28.982,30m2 và đã có quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng về việc đồng ý chuyển nhượng giao quyền sử dụng để lập dự án đầu tư với chủ sử dụng khu đất. Khu đất theo quy hoạch 1/2000 với tính chất dự án nhà ở thương mại cao tầng, các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2013.
Tuy nhiên, khu đất này cũng đang vướng mắc về kết nối giao thông (dự kiến sẽ kết nối với đường Vành Đai 2) và hiện công ty đang kiến nghị cập nhật quy hoạch để điều chỉnh một số chỉ tiêu nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Trong kiến nghị gửi UBND TP.HCM, các doanh nghiệp này đều đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư trình UBND TP xem xét "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" cho công ty (vì đã có đất ở và các loại đất khác hợp pháp) mà chưa cần xét đến yếu tố kết nối đường Vành đai 2 trong thời điểm này.
Đến giai đoạn lập thủ tục cấp Giấy phép xây dựng hoặc nghiệm thu đưa vào sử dụng thì mới xét đến yếu tố kết nối giao thông đường Vành đai 2.
"Công ty có nguyện vọng được tham gia đầu tư xây dựng một phần tuyến đường Vành đai 2 hoặc tuyến đường kết nối dự án của công ty với tuyến đường Vành đai 2 theo cơ chế xã hội hóa đầu tư để kết nối giao thông", đại diện các doanh nghiệp kiến nghị.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, đường Vành đai 2 của TP.HCM dài hơn 64 km với quy mô 6 - 10 làn xe, hiện đã đưa vào khai thác 50 km. Vành đai này bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, băng qua cầu Phú Mỹ đến cầu Phú Hữu, sau đó kết nối với ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội), đường Phạm Văn Đồng, nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1) để vòng về đường Nguyễn Văn Linh.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Vành đai 2 là tuyến đường giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP.HCM, tạo thuận tiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa lớn từ Bắc vào Nam, từ các địa phương miền Đông về miền Tây và ngược lại. Qua đó, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, mở cơ hội giao thương.
Dù mang ý nghĩa như thế nhưng thực tế, việc triển khai tuyến Vành đai 2 khá ì ạch.
Tháng 12/2015, UBND TP.HCM tổ chức lễ động thổ đoạn thứ 3 của tuyến Vành đai 2 dài 2,75 km nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.135 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) thực hiện với hơn 1.400 tỷ đồng.
Dự án tạm ngưng thi công từ tháng 3/2020 và đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thể tái khởi động bởi vướng nhiều vấn đề.
Ở đoạn thứ 3, UBND TP Thủ Đức mới bàn giao mặt bằng của 334 hộ (trong tổng số 468 hộ) với diện tích gần 16 ha - đạt hơn 75% tổng diện tích cần thu hồi.
Việc chậm trễ làm phát sinh lãi vay thực hiện dự án. Giá trị lãi vay ước tính UBND TP.HCM phải chịu đến nay là hơn 230 tỷ đồng (trung bình 10 tỷ đồng/tháng).