Liên quan đến vụ việc một nhóm người được cho là cán bộ và công an phường Đề Thám, (TP.Cao Bằng) đến nhà người dân đòi bắt người và đánh phụ nữ, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Điều 109, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành năm 2015 quy định, hành vi bắt người là một biện pháp ngăn chặn và không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân; quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân; trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định thủ tục bắt, giữ người rất chặt chẽ như sau: Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh; hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho: Gia đình người bị giữ, bị bắt; Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú; Hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt; Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho: Gia đình người bị giữ, bị bắt; Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú; Hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.
Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm: Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ;
Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp; Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, đối với việc bắt giữ, giam người, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm (khoản 6, Điều 127); Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản (khoản 3 Điều 183);
Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản (khoản 1 Điều 195);
Không được lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm (khoản 3 Điều 443). Theo Khoản 3, Điều 113 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015: "Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã". Trong đó, ban đêm được hiểu là từ 22 giờ đến 06 sáng hôm sau.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu không phải là trường hợp phạm tội quả tang; hoặc bắt người đang truy nã; công an tuyệt đối không được bắt giữ người vào ban đêm.
Mọi hành vi bắt giữ người vào ban đêm, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên đều được coi là trái luật và người bị bắt có quyền yêu cầu khiếu nại, bồi thường thiệt hại.
Hành vi bắt giữ người không có căn cứ, không đúng thẩm quyền, không theo trình tự thủ tục luật định là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoặc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Những quy định này để đảm bảo quyền cơ bản của công dân theo hiến pháp và pháp luật, tránh việc lạm quyền, lộng quyền, coi thường pháp luật của một số cán bộ có chức vụ quyền hạn, đảm bảo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Như Dân Việt đã thông tin, khoảng hơn 23 giờ ngày 28/4 tại phường Đề Thám, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, một nhóm người được cho là cán bộ và công an phường đến nhà người dân đòi bắt người và đánh phụ nữ.
Theo những video do anh Đ.K (SN 1997, tổ 1, phường Đề Thám, TP.Cao Bằng), tối 28/4 có một bác sĩ gọi cho em gái anh là chị T.M.K mời đến phòng khám, nhưng chị Kh. không đến vì đã muộn. Thấy vậy, anh P.Đ.N - bạn trai của chị T.M.K lấy điện thoại gọi cho vị bác sĩ phụ khoa hỏi lý do khám bệnh lúc nửa đêm, lời qua tiếng lại thách thức nhau.
Một lúc sau, xuất hiện nhóm người đi trên chiếc xe 7 chỗ đến nhà anh K. gồm vị bác sĩ phụ khoa, 2 người mặc đồng phục công an và 1 người tự xưng cán bộ phường đòi bắt anh N.
Trong lúc 2 người mặc cảnh phục công an đòi bắt anh N. đưa lên xe 7 chỗ thì người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, tự xưng là cán bộ phường Sông Bằng đã liên tiếp đánh vào mặt chị K.