Miền Đông Nam bộ đã vào đầu mùa mưa. Tại Đồng Nai khoảng 1 tuần qua đã liên tục xuất hiện mưa lớn, kéo dài trên 3 giờ đồng hồ khiến nhiều nơi bị ngập sâu.
Mỗi lần mưa lớn kéo dài thì tại nhiều địa phương của Đồng Nai như Tân Phú, Biên Hoà, Định Quán, Trảng Bom... thường xảy ra các sự cố như ngập nặng, lũ quét, sạt lở... đe doạ tính mạng người dân.
Mới đây trong mưa, một người đàn ông chới với trong dòng nước, bị che khuất tầm nhìn đã va chạm với xe ô tô và bị cuốn vào gầm. Rất may, nạn nhân đã được lực lượng cứu nạn cứu hộ TP.Biên Hoà đến giải cứu, đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Nhằm hạn chế các thiệt hại do ngập nước gây ra, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Đồng Nai đã và đang phối hợp cùng các huyện, thành phố chuẩn bị người và phương tiện cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Mục đích để giảm thiểu được tối đa các thiệt hại về người và tài sản khi mưa ngập, lũ quét, sạt lở.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, năm 2022 lượng mưa có xu hướng tăng và kéo dài. Điều đó dẫn đến xảy ra nhiều sự cố về giao thông cũng như tài sản của người dân bị hư hỏng.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hoà cho biết lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm chắc các khu vực thường xảy ra ngập nước khi có mưa, các vùng bờ sông, suối để cảnh báo người dân.
Một số đoạn đường qua Suối Linh, Suối Săn Máu được đặt các thanh barie để chủ động khoá lối lưu thông ngang suối khi mưa lũ lớn, tránh trường hợp người dân gặp phải dòng nước chảy xiết, bị nước lũ cuốn trôi.
Ngoài ra lực lượng chức năng cũng đến nhiều vị trí, đặt các biển cảnh báo, phân công nhiệm vụ cho các ban điều hành khu phố, cảnh sát khu vực trong việc báo cáo tình hình ngập cho lãnh đạo địa phương để ứng phó kịp thời.
"Để ứng phó với mùa mưa lũ, địa phương đã ban hành văn bản về việc theo dõi và chủ động phương án ứng phó, phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra do mưa, dông, lốc, sét, mưa đá... Trong đó, tập trung vào việc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và các kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn kịp thời.
Các cơ quan chức năng phải thường xuyên cập nhật, thông báo rộng rãi, nhanh chóng về tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai đến người dân trên địa bàn biết. Nhất là những người dân sinh sống ven sông, suối, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh thiệt hại", ông Lộc nhấn mạnh.
Còn ông Võ Trường Hải, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài chia sẻ rằng địa bàn phường Trảng Dài rất rộng và có nhiều điểm ngập, nhiều cầu nhỏ bắc qua suối. Vì vậy từ khi bước vào mùa mưa địa phương đã yêu cầu lực lượng công an, quân sự phải luôn túc trực sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt khi xảy ra ngập nặng các tổ trưởng tổ nhân dân hoặc trưởng khu phố sẽ báo cáo nhanh cho lãnh đạo địa phương nắm để có phương án xử lý, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Riêng khi ngập nặng ở khu dân cư thì phải báo cáo nhanh để di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Về vấn đề này Đại úy Nguyễn Hữu Tài, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa cho biết thời gian qua đơn vị đã phối hợp với công an các địa phương trong việc nắm địa bàn, khu vực thường xảy ra ngập sau mưa lớn, để khi nhận được thông tin sẽ triển khai nhanh người và phương tiện đến cứu nạn, hạn chế tối đa thiệt hại.
Thực tế, từ cuối tháng 4 đến nay Đồng Nai đã xảy ra nhiều cơn mưa lớn. Trong đó mưa lớn đã gây giông lốc tại một số vùng như Tân Phú, Định Quán và ngập tại TP.Biên Hoà. Tình trạng ngập nước gây xáo trộn cuộc sống của người dân, trong khi ngành chức năng vẫn mãi loay hoay ứng phó, dù không ít dự án được triển khai với quy mô tiền tỷ.
Bài cuối: Đồng Nai: Mưa là ngập, dự án tiền tỷ, triển khai ì ạch