Dân Việt

Thanh tra "lò ấp"

Văn Công Hùng 05/05/2022 10:05 GMT+7
Đau xót biết bao, chính thanh tra chính phủ đã kết luận, ở một nơi rất là sang trọng về học thuật, một viện khoa học bộ mặt quốc gia, người ta đào tạo tiến sĩ đại trà như... ấp trứng vịt.

Nước ta lâu nay tự hào là nước khoa bảng, làm gì làm, cố có tí học vị, nên ngày xưa từ chuyện cổ tích tới truyện nôm khuyết danh hay ca ngợi những anh chàng sĩ tử, quanh năm đèn sách, vợ tảo tần chăm bố mẹ chồng, nuôi con để chồng "toàn tâm toàn ý" học hành lai kinh ứng thí. Rồi khi đậu, hạnh phúc nhất là được ngồi võng điều, võng anh đi trước võng nàng theo sau...

Sau này, tiếp nối truyền thống ấy, lại thêm cái cơ chế cổ vũ "học học nữa học mãi" nên cái sự học nữa học mãi nhiều khi nó trở nên vừa trịnh trọng vừa hài hước.

Thôi bỏ qua cái chuyện tại chức với chuyên tu một thời, nó là việc làm hữu ích đáp ứng nhu cầu cho những người ham học, có chí tiến thủ thật. Nhưng hỡi ôi, cái quy định bằng cấp của chúng ta nó khiến cho việc học kiểu ấy nhộn nhịp kiểu thị trường. 

Thế nhưng cử nhân nó chưa sang, cứ phải là... tiến sĩ. Bên cạnh chức vụ cứ phải kèm "suất" học vị nó mới sang.

Thế là ào ạt tiến sĩ.

Những tiến sĩ thứ thiệt đương nhiên đáng trân trọng, nên tôi chia làm 2 loại tiến sĩ. Một loại là họ làm, học thật sự, cho công việc của họ. Tôi có khá đông bạn bè tiến sĩ loại này. Chưa tới mức trên thông thiên văn dưới tường địa lý như quan niệm xưa, bởi tiến sĩ bây giờ là chuyên sâu, nhưng họ giỏi và sâu sắc ở lĩnh vực của họ. Nhưng cũng phải nói, trong số tiến sĩ thứ thiệt này không phải ai cũng đáp ứng đủ yêu cầu... tiến sĩ, ví dụ yêu cầu ngoại ngữ, yêu cầu bài báo quốc tế... Một phần có thể nguyên do lịch sử, những người lớn tuổi không phải ai cũng có điều kiện trau dồi ngoại ngữ.

Loại thứ 2, nói thật, lâu nay tôi kính nhi viễn chi, bởi cái học vị luôn gắn với chức vụ. Mà chức vụ thì nhiều khi lại chả liên quan gì tới học vị. Nên tôi cứ sợ lãng phí chất xám khi học vị chả bổ sung gì cho chức vụ của họ.

Thanh tra "lò ấp" - Ảnh 2.

Trụ sở chính của Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đặt tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: CTTĐT Viện Hàn lâm.

Và nghe rất nhiều xì xào về những bằng tiến sĩ loại này. Có người còn khẳng định với tôi là, đại học tại chức vẫn làm tiến sĩ được. Rồi những là tiến sĩ... tiền. Tôi, một người luôn lãng mạn và căm thù cái xấu, không bao giờ tin điều ấy, dù có lần biết mười mươi một cái luận văn tiến sĩ ngôn ngữ bị tố đạo, và tố đúng, nhưng rồi... chả đi đến đâu.

Thì bây giờ, đau xót biết bao, chính thanh tra chính phủ đã kết luận, ở một nơi rất là sang trọng về học thuật, một viện khoa học bộ mặt quốc gia, người ta đào tạo tiến sĩ đại trà như... ấp trứng vịt.

Thanh tra chính phủ chỉ ra, bằng từng ấy thời gian, người ta đã tổ chức bao nhiêu hội đồng bảo vệ, tính ra những hội đồng ấy, ngồi vào, bắt tay, thưa gửi, mở tài liệu, nhìn nghiên cứu sinh xem có đúng không... cũng chưa đủ thời gian, bởi người ta đã nghiệm thu từ 13 tới 18 đề tài trong môt ngày. Thậm chí ngày 19/11/2019, chỉ với 2 hội đồng người ta đã nghiệm thu được 22 đề tài ngôn ngữ... 

Đấy mới là sự phi thường trong thời gian. Sự phi thường của đề tài còn... phi thường hơn nữa.

Hồi nào người ta đã cười ồ với cái đề tài tiến sĩ về tắm cho bộ đội, thì giờ người ta lại... nghiến răng kèn kẹt với những đề tài mà nói thật, tôi đã vào hẳn trang web đăng các tên đề tài ấy, nhưng mà rồi để tôn trọng bạn đọc, và đặc biệt tôn trọng sự oai nghiêm của tri thức, tôi xin phép không copy ra đây, bởi copy ra nó sẽ hết sức bất nhã với cái danh xưng tiến sĩ, với cả hệ thống đào tạo ưu việt của chúng ta! 

Chính tôi,  khi chưa vào xem tường tận, vẫn nghĩ những ảnh chụp các đề tài nghiên cứu tiến sĩ trên mạng là hàng fake, và tôi cương quyết không tin, không share những tin ấy vì không muốn... nộp phạt. Thế mà rồi, té ra, những hàng tưởng fake ấy lại là... thật.

Nhưng tôi canh cánh với câu hỏi: Vì đâu nên nỗi?

Tôi thử lý giải vài nguyên nhân.

Một là thói háo danh. Cái thói này nó thể hiện rõ nhất khi người ta giới thiệu các chức vụ. Mấy anh MC chuyên nghiệp luôn nhắc nhau giới thiệu anh A anh B mà thiếu cái này cái này là chết. Thực ra cũng có nhiều anh không có nhu cầu giới thiệu lòng thòng thế, nhưng biết sao được, nó vào cái guồng rồi. Thử giở 1 tờ báo, nhất là báo tỉnh, mà xem, giới thiệu một anh lãnh đạo, mới dòng trên đã đầy đủ ABCD, tới dòng dưới lại vẫn ABCD, và lặp lại chục lần như thế trong một bài báo ngắn nhắc tới đồng chí lãnh đạo tới dự và phát biểu. Truyền hình còn nặng hơn. Mà lãnh đạo ta, nói thật, một anh kiêm nhiều chức lắm, giới thiệu cho hết cũng... liệt. Nhưng không giới thiệu thì... liệu hồn.

Thậm chí có người chả chức vụ, nhõn học vị tiến sĩ, nhưng lỡ ai đó mà quên, cũng rầy rà phết.

Hai là cơ chế. Ấy là chuyện bằng cấp. Chúng ta đánh giá cán bộ qua hệ thống bằng cấp, chứng chỉ (viết tới đây thì tôi đọc thấy tin bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong ngành Y từ 10/6), nên người người chạy để có bằng, nhà nhà chạy để có bằng. Có người cứ học và lấy bằng tuần tự từ trung cấp, lên đại học, rồi sau đại học... Sẽ rất tốt nếu nó thực chất, nhưng ở đây, như đã nói, học kiểu không vì tri thức, mà vì tấm bằng.

Nhớ lâu lắm rồi, một tiến sĩ y khoa trả lời phỏng vấn trong chương trình chào buổi sáng trên VTV1, đã cắm đầu vào giấy miên man đọc "phao" ghi sẵn những điều vô cùng đơn giản khiến rất nhiều người nghi ngờ cái bằng tiến sĩ. Suốt mấy ngày sau chuyện này trở thành đề tài HOT trên mạng. Và cũng nhiều ý kiến lại quy về giáo dục và đào tạo.

Thì giờ, nhân cái kết luận thanh tra của thanh tra chính phủ, rất nhiều chuyện của cái "lò ấp tiến sĩ" đã lộ ra, dẫu nhiều người bảo, vẫn còn khối anh trong đống rơm chưa lộ diện.

Tất nhiên, như đã nói ở phần đầu, tôi hết sức xin lỗi và rất tôn trọng các tiến sĩ thứ thiệt, trong đấy có rất nhiều bạn bè tôi.

Và các tiến sĩ thứ thiệt cũng bị thiệt thòi rất nhiều sau vụ này. Một bạn tiến sĩ toán thứ thiệt vừa nhắn tôi: từ giờ giấu biệt học vị...

Đúng, bởi không sẽ bị đánh đồng.