Đây là thông tin GS Tuyên chia sẻ tại buổi họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe tiêu hóa (29/5), với chủ đề “Khỏe tiêu hóa- Khỏe hơn mỗi ngày” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Báo Sức khỏe đời sống tổ chức sáng 5/5.
Theo GS Tuyên, tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đáng lo ngại, những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Trung bình, mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày trong đó khoảng 8.000 người tử vong.
PGS-TS Lê Danh Tuyên cảnh báo chế độ ăn uống chưa hợp lý là nguyên nhân dẫn đến bệnh đường tiêu hoá.
Tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 người thì có 13 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng. Bệnh có xu hướng ngày càng tăng do vấn đề ăn uống (thói quen ăn uống không lành mạnh, thực phẩm nhiễm hóa chất...)
"Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Có thể nói, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khở mạnh, là chìa khóa để phòng bệnh tật.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa lại chưa được người dân chú trọng", GS Tuyên cho biết.
Theo GS Tuyên, mỗi người sinh ra chỉ được mẹ "cho" 3kg, còn từ lúc đó đến khi trưởng thành 50-70kg còn lại là lấy từ thức ăn. Trong một đời người sống 70 năm thì trung bình tiêu thụ khoảng 144 tấn lương thực thực phẩm, không kể nước.
Số lượng lương thực khổng lồ ấy đều được đường tiêu hóa "chuyên chở", "sàng lọc" chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành trong 2 năm 2019 - 2020, cho thấy mức rau quả sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt dù có tăng hơn nhưng mới đạt 66,4 - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành.
Trong khi đó mức tiêu thụ thịt tăng rất nhanh, từ 84 gram/người/ngày (mức tiêu thụ bình quân toàn quốc năm 2010) tăng lên 136,4 gram/người/ngày năm 2020, ở khu vực thành thị mức này đạt 155,3 gram /người/ngày.
"Lượng tiêu thụ thịt này là rất cao so với khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe. Vì một người lao động từ nhẹ đến nặng, mỗi người chỉ nên tiêu thị 1,2 - 2,2 gram thịt đỏ/kg thể trọng/ngày. Ví dụ một người 50kg làm việc văn phòng chỉ cần ăn 60 gram thịt đỏ/ngày.
Việc ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, tăng axít uric gây bệnh gout, gây béo phì, thừa cân... Điều này làm tăng nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư, chuyển hóa, tim mạch"- GS Tuyên cho biết.
Từ năm 2004, Tổ chức Tiêu hóa thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF) đã chọn ngày 29/5 là Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Năm nay, chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới sẽ diễn ra trong suốt tháng 5-/022 với thông điệp "Khoẻ tiêu hóa - Khỏe hơn mỗi ngày". Các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên.