Kết thúc kỳ tuyển sinh hằng năm, những người làm công tác tuyển sinh của các trường ĐH thường đưa ra nhận định về kết quả. Trong đó, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu nhưng có những trường được cho là "bội thu" khi tuyển vượt 150% chỉ tiêu.
Tuyển "lố" cho chắc ăn
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển. Việc đổi mới này được cho là chỉ mang tính kỹ thuật, vẫn bảo đảm quyền lợi của thí sinh khi không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng chứ không cùng lúc trúng tuyển nhiều trường như xét học bạ, đánh giá năng lực…, từ đó giảm ảo cho các trường ĐH.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết từ năm 2021 trở về trước, Bộ GD-ĐT chỉ lọc ảo đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Những trường có xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực thì tự chủ hoàn toàn về mặt tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa với việc một thí sinh cùng lúc trúng tuyển nhiều trường nên để giảm ảo, các trường thường gọi tỉ lệ trúng tuyển lên tới 200%, thậm chí 300% tỉ lệ chỉ tiêu cho các phương thức này. Trước khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH cũng đã có một lượng nhất định thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác nhập học.
Năm nay, khi Bộ GD-ĐT lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển thì thí sinh chỉ trúng 1 nguyện vọng, tỉ lệ ảo thấp. "Về nguyên tắc, gọi bao nhiêu là quyền của các trường nhưng kết quả tuyển sinh vượt quá 103% sẽ bị Bộ GD-ĐT áp dụng các chế tài xử phạt tùy mức độ (nếu bị kiểm tra, phát hiện). Vì vậy, các trường chắc cũng chỉ gọi 110%-120% chỉ tiêu" - TS Nguyễn Trung Nhân nhận định.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, những năm trước, ngay ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH công lập và ngoài công lập đều phải gọi vượt chỉ tiêu để dự phòng thí sinh ảo (dù Bộ GD-ĐT đã lọc). Do vậy năm nay, khi gộp chung tất cả các phương thức xét tuyển vào chung đợt để lọc ảo thì các trường vẫn phải gọi vượt chỉ tiêu.
TS Quốc Anh cho rằng tùy từng trường nhưng tỉ lệ gọi trúng tuyển ở trường công lập khoảng 110%-120%, trường ngoài công lập có thể lên đến 150%. Với tỉ lệ gọi thí sinh trúng tuyển như vậy thì sẽ có độ chênh lệch nhất định về kết quả tuyển sinh so với chỉ tiêu.
Đại diện một trường ĐH tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chưa giám sát chặt
Với các trường công tự chủ và trường ngoài công lập, kết quả tuyển sinh tốt sẽ mang lại nguồn tài chính tốt. Vì thế, nhiều trường ĐH luôn đặt ra mục tiêu tuyển vượt chỉ tiêu cho phép, nếu có thể. Tuy vậy, kết quả tuyển sinh vượt chỉ tiêu đồng nghĩa với vượt năng lực đào tạo.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết về nguyên tắc, khi kết thúc tuyển sinh, các trường phải báo cáo và đăng nhập hệ thống nên Bộ GD-ĐT nắm được kết quả. Tuy vậy, theo ông, việc cung cấp số liệu, dữ liệu thí sinh trúng tuyển, nhập học đến mức độ nào là do các trường. Trước đây, khi kết thúc tuyển sinh, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT bằng con số nhưng gần đây còn phải cung cấp dữ liệu thí sinh trúng tuyển. Nếu cung cấp đủ danh sách, vượt quá nhiều thì sẽ bị Bộ GD-ĐT xử lý bằng cách trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Anh cho rằng kết quả tuyển sinh do các trường tự khai báo. Bộ GD-ĐT chỉ kiểm tra xác suất số trường chứ không thể kiểm tra hết.
ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho rằng với việc lọc ảo chung cho tất cả phương thức, Bộ GD-ĐT có thể giám sát được việc tuyển sinh của các trường bằng cách số thí sinh trúng tuyển đủ chỉ tiêu theo ngành sẽ bị cắt. Việc này dẫn đến trường tuyển đủ hoặc thiếu chỉ tiêu phải xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, với thông tin hiện nay, việc tuyển bổ sung là để các trường tự do nên chuyện tuyển vượt chỉ tiêu hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể giám sát kết quả tuyển sinh
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP HCM cho rằng Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể giám sát kết quả tuyển sinh của các trường bằng số căn cước công dân/chứng minh nhân dân mà không cần phải tổ chức kiểm tra xác suất. Nghĩa là, dữ liệu trúng tuyển của trường ĐH sẽ phải cập nhật trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mà thí sinh có thể tra cứu bằng số căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Nếu sinh viên đang học ở một trường ĐH nhưng không có thông tin trên hệ thống thì đó là số nằm ngoài sổ sách mà trường muốn che giấu.