Bạn đọc hỏi: Tôi chuẩn bị mua một mảnh đất để xây nhà mới. Tôi cũng không biết mảnh đất này có tranh chấp hay không nhưng tổng quan thì vị trí, giá cả tôi rất vừa lòng.
Hôm qua, có một số điện thoại lạ nhắn tin đe dọa tôi, nói rằng mảnh đất đó hiện đang tranh chấp rất gay gắt, nếu không muốn liên lụy thì đừng mua.
Tôi cũng bán tín bán nghi vì thông tin không chính xác, cũng không biết có thật sự như vậy hay không? Các cách kiểm tra đất đai có đang tranh chấp hay không?
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết: Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nêu rõ cách kiểm tra đất đai có đang tranh chấp hay không.
Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.
Đặc điểm:
Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp;
Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;
Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà Nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Luật đất đai 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
Như vậy việc hoà giải là do các bên tự nguyện, Nhà nước không quy định bắt buộc phải thực hiện hoà giải.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện như sau:
Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Tóm lại, chỉ đối với tranh chấp “ai là người có quyền sử dụng đất” thì mới bắt buộc phải thực hiện hoà giải tại UBND xã, phường nơi xảy ra tranh chấp.
Sau đây là 4 cách giúp người mua kiểm tra xem đất có đang bị tranh chấp không:
Cách 1 là liên hệ Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có đất hoặc công chức địa chính xã phường thị trấn nơi có đất.
Cách 2 là tìm hiểu thông tin thông qua những người dân xung quanh hoặc chủ sở hữu, người sử dụng đất của thừa đất liền kề.
Cách 3 là liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự.
Cách 4 là xin thông tin đất đai tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất.