Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vừa tổ chức cuộc họp đánh giá hoạt động khai thác tàu bay trực thăng đi/đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Vietstar Airlines.
Theo đó, Vietstar Airlines đang sử dụng 1 tàu bay trực thăng thuê tổ bay (thuê ướt) loại AW139-LN, số đăng ký 9M - WBC, quốc tịch Malaysia, vận chuyển hành khách với tần suất 3 - 4 chuyến bay/ngày trên các đường bay giữa Tân Sơn Nhất và các bãi đáp của một công ty tuyến Phan Thiết/ Hồ Tràm/ Hồng Ngự. Thời gian khai thác từ 7 giờ 45 đến 17 giờ 30.
Theo chấp thuận việc thuê tàu bay của Cục Hàng không Việt Nam, Vietstar Airlines đã bổ sung 2 tàu bay trực thăng AW139-LN, số đăng ký 9M-WAM, 9M-WAH, quốc tịch Malaysia (1 chiếc đã vào Việt Nam ngày 15/4, 1 chiếc vẫn ở nước ngoài để làm tàu bay dự bị). Tàu bay thứ 2 đã được cấp phép bay nhưng Vietstar Airlines chưa thực hiện khai thác tàu bay này vì chưa thống nhất được với Công ty Quản lý bay miền Nam trong công tác hiệp đồng, điều hành bay.
Theo báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các phòng chuyên môn của Cục, việc Vietstar Airlines khai thác các chuyến bay thương mại bằng tàu bay trực thăng AW139-LN đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động điều hành các chuyến bay dân dụng khác. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp an toàn, an ninh cho hoạt động bay dân dụng tại Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra các nguyên nhân như sau: Tốc độ bay của tàu bay trực thăng thấp gây tắc nghẽn hoạt động bay của các tàu bay trong vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiếp theo đó, Vietstar Airlines chưa có phương án khai thác cụ thể về việc chuẩn bị nhiên liệu cho tàu bay, nhiên liệu thường không đáp ứng để thực hiện bay chờ trong trường hợp phải bay chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chưa có phương thức bay, phương án khai thác khu vực bay hoạt động hàng không chung, phương án khai thác và quản lý hoạt động bay, khu vực bay cụ thể dành cho tàu trực thăng AW139- LN nói riêng và hoạt động khai thác bay trực thăng dân dụng nói chung.
Công ty Quản lý bay miền Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của quân đội điều hành hoạt động bay cho tàu bay trực thăng hoạt động dân dụng tương tự các chuyến bay trực thăng hoạt động quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất trước đây. Việc này chưa đáp ứng được quy định về tổ chức khai thác trong vùng trời cho hoạt động hàng không chung.
Ngoài ra, chưa có phương án đảm bảo an ninh cho hành khách, tàu bay khi thực hiện chuyến bay từ các bãi đáp bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.
Vì các nguyên nhân trên, Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn đã yêu cầu Vietstar Airlines phải chuyển đăng kí tàu bay trực thăng sang quốc tịch Việt Nam và đưa vào AOC của Vietstar Airlines trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận tàu bay theo hợp đồng thuê tàu bay (AOC là chứng chỉ được cơ quan quản lý phê chuẩn cho phép một hãng bay được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ nêu). Đồng thời, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Vietstar Airlines phối hợp Phòng quản lý hoạt động bay Cục Hàng không Việt Nam để hoàn thiện các nội dung theo quy định.
Vietstar Airlines tạm dừng khai thác hoạt động thương mại bằng tàu bay trực thăng đi/đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kể từ ngày 6/5 cho đến khi đơn vị hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam về phương thức bay, phương án khai thác khu vực bay hoạt động hàng không chung, phương án khai thác và quản lý bay đáp ứng quy định.
Được biết, Vietstar Airlines là hãng hàng không được thành lập từ 3 cổ đông chính là Công ty sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - không quân), Công ty cổ phần hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Tín Thành với vốn pháp định ban đầu là 400 tỉ đồng. Hãng được Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp phép kinh doanh ngày 27/4/2010.