Hồi nhỏ, Văn Ngọc Tú mắc bệnh mộng du. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật, năm 11 tuổi, Văn Ngọc Tú được cho tập luyện võ thuật để rèn luyện sức khỏe và chữa bệnh.
Tuy nhiên, với niềm đam mê, năng khiếu trong môn judo và quyết tâm khổ luyện, Văn Ngọc Tú nhanh chóng chứng tỏ được tài năng. Năm 1999, nữ võ sĩ sinh năm 1987 khi đó mới 12 tuổi đã được chọn vào đội judo Sóc Trăng.
Năm 2002, nữ võ sĩ có biệt danh Tú "dừa" đã giành 4 HCV tại các giải Đồng bằng sông Cửu Long, giải trẻ toàn quốc, Cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc và Đại hội thể dục thể thao lần thứ 4.
Tháng 2/2003, Văn Ngọc Tú chính thức được khoác áo đội đội tuyển quốc gia. Những chuyến tập huấn trong và ngoài nước (Trung Quốc, Nhật Bản) đã giúp cô hoàn thiện khả năng kỹ, chiến thuật của mình hơn, đặc biệt là hai đòn sở trường Morote (hốt chân) và Uchimata (hốt cả hai chân đối phương) được tập luyện thật chu đáo, và đó chính là "tuyệt chiêu" giúp cô lên ngôi SEA Games 22 sau khi liên tục vượt qua nhiều đối thủ mạnh của khu vực bằng điểm Ippon.
Khi Việt Nam đăng cai ASIAN Indoor Games 3, Văn Ngọc Tú luyện tập thêm môn Kurash - môn vật truyền thống của người Uzbekistan (ra đời cách đây khoảng 3.500 năm, đây là môn võ có họ hàng với võ vật cổ truyền Thổ Nhĩ Kỳ và võ vật của người Tatar) và bất ngờ đăng quang ngôi vô địch sau khi vượt qua võ sĩ Uzbekistan, Đài Bắc Trung Hoa Ying Ying Yu và Petlada Nuinkaew (Thái Lan) ở vòng loại đến chung kết hạng 52 kg.
Trong sự nghiệp, Văn Ngọc Tú 6 lần tham dự SEA Games và có tới 5 lần giành HCV và 1 lần đoạt HCB. Ngoài ra, cô cũng có 2 lần tranh tài tại Olympic và trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành 1 trận thắng ở môn Judo. Chính vì vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Văn Ngọc Tú được biết đến như "Nữ hoàng judo".