Các giải đấu của bóng bàn thế giới như Olympic, Vô địch bóng bàn thế giới, luôn được coi là nhẹ nhàng hơn giải vô địch bóng bàn quốc gia Trung Quốc. Vì lý do, ở các giải thế giới, số lượng các vận động viên Trung Quốc bị giới hạn, cơ hội tiến sâu vào giải cho các vận động viên khác sẽ cao hơn. Trong khi đó, giải vô địch Trung Quốc thì toàn vận động viên Trung Quốc nên cực kỳ khắc nghiệt.
Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng bàn thế giới, thời điểm hiện tại, không có tên vận động viên nào của Việt Nam nằm trong Top 500. Đã có những thắc mắc, kiểu như khác với các môn thể thao đòi hỏi thể lực, thể hình kiểu như bóng rổ, bóng chuyền hay bóng đá…, người Việt Nam chấp nhận thiệt thòi khi tham gia tranh tài đã đành. Môn bóng bàn đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh… là những tố chất vốn có của người Việt Nam. Vậy tại sao bóng bàn Việt Nam lại không thể tiệm cận được với trình độ bóng bàn của Trung Quốc?
Đầu tiên, việc nhìn nhận thể trạng người Việt Nam tương đồng với thể trạng người hàng xóm Trung Quốc là sai. Người dân các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây có thể hình khá giống với người Việt Nam. Nhưng người dân phía bắc Trung Quốc thì khác hẳn. Họ to khỏe hơn nhiều. Việc đánh giá môn bóng bàn ít phụ thuộc vào thể hình cũng sai. Các vận động viên bóng bàn top đầu thể giới đều có chiều cao tốt, họ thường cao khoảng ngoài 1,8m. Với chiều cao tốt, sải tay, sải chân dài, họ rất có lợi thế trong thi đấu.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt về mặt đẳng cấp giữa các vận động viên Trung Quốc và các vận động viên Việt Nam là vấn đề đầu tư cho môn thể thao này, cả từ góc độ xã hội, đến góc độ các gia đình, cá nhân theo đuổi bộ môn bóng bàn.
Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho bóng bàn. Tuy không phải là quê hương môn bóng bàn, nhưng mức độ phổ biến của môn thể thao này trong xã hội là rất lớn, thể hiện qua số lượng người chơi môn thể thao này. Theo thống kê của Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc (CTTA) cho biết, có khoảng 80 triệu người Trung Quốc coi bóng bàn là môn thể thao chính để giải trí và vận động. Một số thống kê cho rằng số bàn bóng thậm chí còn lớn hơn số người chơi. Bàn bóng kê ở khắp nơi, trường học, công viên, đâu đâu cũng có. Từ nguồn người luyện tập, thi đấu môn bóng bàn khổng lồ như vậy, chắc chắn việc lựa chọn nhân tài cũng dễ dàng hơn.
Các vận động viên đỉnh cao của Trung Quốc có thu nhập cao so với mặt bằng xã hội từ các nguồn lương, tài trợ hàng tháng, thưởng của các giải đấu. Họ trở thành những người nổi tiếng, đi cùng đó là các hợp đồng quảng cáo cho doanh nghiệp. Họ trở thành những tấm gương thành công, tạo sức hút cho các thế hệ trẻ kế tiếp phấn đấu luyện tập.
Vì có mức độ phổ biến cao trong xã hội, có sức hút với xã hội, nên các vấn đề liên quan tới kỹ thuật bóng bàn cũng được đầu tư nghiên cứu phát triển, từ tuyển chọn vận động viên trẻ cho tới phương pháp luyện tập, phương tiện thi đấu, phát triển chiến thuật, kỹ thuật… Điều đó khiến cho bóng bàn Trung Quốc luôn đi trước phần còn lại của thế giới.
Ngày nay, môn bóng bàn đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, nhưng ta dễ dàng nhận thấy, thực tế, bóng bàn chỉ mới phổ biến như 1 môn thể thao để người dân giải trí, rèn luyện sức khỏe. Số người tham gia luyện tập bóng bàn tăng lên khá nhiều, có nhiều giải phong trào, còn gọi là "phủi" được tổ chức, thu hút nhiều người tham gia luyện tập và thi đấu, nhưng như thế là chưa đủ.
Khi mức độ phổ biến của môn thể thao này đủ lớn, nó sẽ thu hút sự quan tâm của xã hội. Khi đó, sẽ có nhiều sự đầu tư của các doanh nghiệp vào môn bóng bàn theo mô hình mà chúng ta hay nói, "xã hội hóa thể thao". Ngoài các giải thưởng từ các giải đấu, các vận động viên đạt thành tích cao còn có được thu nhập lớn từ các hoạt động quảng cáo. Điều đó lại có tác động tích cực, làm tăng mức độ phổ biến của môn bóng bàn trong xã hội… Hiện tại, chúng ta chưa thấy có mấy doanh nghiệp sử dụng hình ảnh các tay vợt hàng đầu Việt Nam để quảng bá hình ảnh, nhãn hiệu cả. Ở Việt Nam hiện nay, tìm kiếm được nhà tài trợ cho 1 giải đấu bóng bàn là khá khó khăn. Nguyên nhân là do mức độ phổ biến của môn bóng bàn chưa cao, sức thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận chưa nhiều, vì vậy các doanh nghiệp không hào hứng khi tài trợ cho bóng bàn.
Về phía các vận động viên, ngoài thỏa mãn đam mê chơi bóng, họ nhận được mức đãi ngộ rất thấp nếu như so sánh với bóng đá. Chính vì mức đãi ngộ thấp đó, cùng tương lai "hậu thi đấu" không mấy rõ ràng, sáng sủa, nên cũng không thu hút được nhiều vận động viên trẻ tham gia luyện tập.
Thực tế, so các môn thể thao đối kháng như với bóng đá, bóng chuyền, hay kể cả tennis, để Việt Nam tiến tới tiệm cận với thành tích đỉnh cao của thế giới thì bóng bàn vẫn có lợi thế hơn do ít đòi hỏi về thể hình và sức mạnh. Nó đòi hỏi nhiều sự nhanh nhẹn, khéo léo, tinh tế… mà những yếu tố đó thể chất người Việt Nam có thể đáp ứng.
Ta nhận thấy, mặc dù có nhiều nguyên nhân, từ kinh tế, đầu tư, cho tới nghiên cứu phát triển kỹ thuật, thì mấu chốt vấn đề để phát triển bóng bàn vẫn là tính phổ cập trong xã hội. Khi đã được phổ cập trong xã hội, các yếu tố khác sẽ được tự động giải quyết. Có rất nhiều việc phải làm để cho môn bóng bàn thực sự phát triển ở Việt Nam. Nhưng tiền đề là làm sao để môn thể thao ít đòi hỏi thể hình to cao này, với mức đầu tư cho trang thiết bị luyện tập thi đấu không cao, trở nên phổ cập hơn trong xã hội, và bước đầu tiên phải làm trong quá trình đó, là phổ cập bóng bàn trong trường học.