Dân Việt

Quảng Nam: 70% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trong tháng 6

Trương Hồng 09/05/2022 12:14 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm đạt được mục tiêu có trên 70% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trong tháng 6/2022.

Ngày 9/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã có kết luận và yêu cầu các sở, ban ngành cùng các nhà mạng sớm đẩy mạnh triển khai phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, coi việc phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm.

Quảng Nam: 70% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trong tháng 6 - Ảnh 1.

VNPT Quảng Nam đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại Quảng Nam (Ảnh: T.H)

Trước đó, ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai phổ cập hồ sơ sức khoẻ điện tử trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các sở, bàn ngành cùng một số nhà mạng như VNPT và Viettel Quảng Nam, Bưu điện Quảng Nam…

Sau khi nghe Sở Y tế tỉnh báo cáo tình hình triển khai hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các sở, ban ngành cùng các nhà mạng như VNPT, Viettel Quảng Nam…, sớm triển khai phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và coi việc phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá về chuyển đổi số trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Do đó, cần phải có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm đạt được mục tiêu có trên 70% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trong tháng 6/2022.

Quảng Nam: 70% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trong tháng 6 - Ảnh 2.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Nam (Ảnh: T.H)

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam còn giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức làm việc với Sở TTTT tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị cung ứng phần mềm như VNPT Quảng Nam…, để kết nối, liên thông, đồng bộ hóa dữ liệu phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế và cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu các sở, bàn ngành sớm chuẩn bị nội dung và các điều kiện phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế việc sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 16-20/5/2022…

Đối với Quảng Nam thực hiện chủ trương về chuyển đổi số, Quảng Nam đưa ra mục tiêu sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030. Quảng Nam đang có những giải pháp đột phá thực hiện hóa mục tiêu cũng như 3 trụ cột chính là "chính quyền số, kinh tế số và xã hội số".

Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025 phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích họp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Quan trọng nhất đối với Quảng Nam là năm 2020 đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử. Trong năm 2021 triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, đưa vào sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 100% các cơ sở khám chữa bệnh (Bảo hiểm y tế) BHYT trên địa bàn thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử…