Liên quan đến vụ đại án về kinh tế, tham nhũng xảy ra ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) và một số đơn vị liên quan, Viện KSND tối cao vừa có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ông Phạm Văn Cành (64 tuổi) cùng với ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, được xác định là đồng phạm, tiếp tay cho bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 6.600 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29/6/2021, ông Cành bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219, Bộ luật hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, đây là tội đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt tới 20 năm tù.
Trong khi đó, Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Như vậy, trước đó, ông Cành bị tạm giam do bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.
Với tội đặc biệt nghiêm trọng, đương nhiên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp tạm giam sau khi khởi tố bị can, trừ một số trường hợp như người già yếu, phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án nếu bị can được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm và thuộc trường hợp có nơi cư trú rõ ràng, là người cao tuổi như ông Cành, có người thân có đơn xin bảo lãnh, việc cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú là phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
Ngoài ra, theo ông Cường, trường hợp ông Cành thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lý tội phạm lại là người cao tuổi, ốm đau bệnh tật, vai trò giúp sức thứ yếu, khi lượng hình, tòa án cũng sẽ xem xét áp dụng một mức hình phạt phù hợp để thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.
Ở một diễn biến khác, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, bị can Phạm Văn Cành với chức vụ là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (giai đoạn 2013 - 2018) được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế Đảng.
Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị can Phạm Văn Cành cùng các bị can Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, là những cá nhân chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thống nhất chủ trương, quyết định và chỉ đạo Tổng công ty Bình Dương chuyển giao khu đất 43 ha và 30% vốn góp về cho một doanh nghiệp Nhà nước thuộc quản lý của tỉnh Bình Dương.
Song, khi Tổng công ty Bình Dương thực hiện trái chủ trương này, bị can Phạm Văn Cành không yêu cầu cầu hủy bỏ hợp đồng mà đồng ý cùng với một số lãnh đạo khác của tỉnh Bình Dương để "Nhà nước thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản" tại dự án thuộc khu đất 43 ha, tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang công ty tư nhân trái pháp luật.
Hành vi của bị can Phạm Văn Cành liên đới cùng bị can Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác gây thất thoát cho Nhà nước 984 tỷ đồng.