Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức Thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, giảng viên ĐH Tây Bắc. Luận án tiến sĩ này được bảo vệ tại Học viện Khoa học thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Dù đã được bảo vệ thành công, nhưng luận án này vẫn gây không ít tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng đề tài nghiên cứu quá nhỏ, không phù hợp để làm luận án tiến sĩ. Từ những lùm xùm xung quanh luận án tiến sĩ của giảng viên Đặng Hoàng Anh, dư luận đang có nhiều băn khoăn, lo ngại về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ cũng như công tác đào tạo nghiên cứu sinh thành tiến sĩ tại các trường đại học, học viện hiện nay.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội hội khóa VIII cho rằng, đề tài luận án tiến sĩ thường có 2 mảng, gồm nghiên cứu về những lý thuyết đơn thuần, những nghiên cứu này phải mang tính mới mẻ, đi trước, định hướng trong một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như nghiên cứu về Vật lý thì nghiên cứu đó phải có tính định hướng chuyên sâu cho các chuyên ngành nhỏ khác của lĩnh vực Vật lý. Nếu đề tài mang tính nghiên cứu thực tiễn ứng dụng thì cần mang tính mới...
“Khi chọn đề tài luận án tiến sĩ phải đúng tầm, không thể chọn những đề tài quá đơn giản, sơ sài. Với những đề tài như luận án "tiến sĩ cầu lông", trước khi hỏi đến trách nhiệm của nghiên cứu sinh thì cần hỏi xem ai là người duyệt, hướng dẫn đề tài này. Nếu ngay khi chọn đề tài thấy chưa đủ tầm, chưa xứng để làm luận án tiến sĩ, tại sao người hướng dẫn lại để nghiên cứu sinh làm? Với những đề tài thế này, lỗi không phải chỉ tại nghiên cứu sinh mà còn cần nhìn nhận trách nhiệm của người hướng dẫn, chọn đề tài”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng luận án "tiến sĩ cầu lông" thực tế không phải luận án tiến sĩ duy nhất gây tranh cãi trong dư luận, thực tế vẫn có những đề tài dù được bảo vệ thành công nhưng chất lượng chưa xứng với bậc tiến sĩ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay xuất phát từ chính căn bệnh thành tích đã tràn lan ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả giáo dục, từ bậc phổ thông đến đại học và sau đại học.
Bên cạnh những tiến sĩ học thật, thi thật, nghiên cứu thật phải thừa nhận rằng có một bộ phận không học thật nhưng vẫn muốn có bằng đẹp. Việc chạy theo bằng cấp nhằm đạt được những vị trí cao hơn trong các cơ quan, tổ chức đang công tác.
"Như vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề học thật, thi thật với bậc tiến sĩ, cần nhìn nhận lại quá trình bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan tổ chức hiện nay. Bổ nhiệm cán bộ phải đánh giá thực chất năng lực hơn là dựa vào bằng cấp. Nếu bằng thật, chất lượng thật thì rất quan trọng, nhưng nếu bằng không thực chất lại rất nguy hiểm, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội", PGS.TS Bùi Thị An lo ngại.
Về phía các trường đại học, học viện được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng cần lấy chất lượng làm đầu, không chạy theo số lượng. Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng cần phải chịu trách nhiệm khi các luận án nhận được nhiều phản ánh từ dư luận.
Theo Đề án 89 “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được tự chủ trong việc tuyển chọn và gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo (nếu có).
Tính trong năm 2021, cả nước có 164 cơ sở đăng ký gửi 1.277 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách theo cả loại hình đào tạo trong nước, gửi đào tạo ở nước ngoài lẫn đào tạo theo hình thức phối hợp. Trong năm 2022, sẽ có 155 đăng ký cơ sở gửi 1.308 giảng viên đi đào tạo.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ.
“Theo tôi phải quy trách nhiệm đến cùng cho những cơ sở đào tạo cho "ra lò" những tiến sĩ, luận án tiến sĩ không thực chất. Chúng ta không thể đào tạo ào ào để lấy số lượng hàng năm, gây lãng phí tiền của. Đặc biệt nếu những người có trình độ thấp, nhưng nhờ tấm bằng tiến sĩ mà được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước thì sẽ rất nguy hại cho xã hội”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Gắn bó nhiều năm với giáo dục, đọc đề tài nghiên cứu “tiến sĩ cầu lông”, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết ông “vừa buồn cười, vừa tức giận”, giận ở chỗ tại sao những đề tài này lại được kiểm duyệt, thông qua.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do nghiên cứu sinh chưa hiểu đúng khái niệm thế nào là nghiên cứu khoa học, hoặc trình độ của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn đều có vấn đề, không thể phân biệt thế nào là đề tài nghiên cứu khoa học và đâu là báo cáo thường niên. Nguyên nhân sau cùng có thể do chính căn bệnh thành tích trong một bộ phận cán bộ, công chức,viên chức hiện nay.
GS.TS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nhân của các luận án tiễn sĩ trên sẽ giữ các vị trí lãnh đạo. Việc dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, đào tạo nghiên cứu sinh thành tiến sĩ là tốt, nhưng phải là tiến sĩ thật, người học thật và người hướng dẫn cũng phải thật. Nếu không giải quyết vấn đề “giáo sư giả”, “tiến sĩ giả” thì nền học thuật của Việt Nam sẽ mãi không phát triển.