Từ ngày 21.5, người dân có thể làm thủ tục “khai tử” xe ôtô hết niên hạn qua mạng, nộp giấy đăng ký, biển số xe qua bưu điện hoặc tại công an xã. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc này không khả thi.
Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Theo Thông tư số 15/2022 của Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung một số thông tư, trong đó có Thông tư số 58/2020 về quy trình cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; có hiệu lực từ 21.5.2022), các tổ chức, cá nhân chủ xe ôtô hết niên hạn sử dụng, xe không sử dụng được có thể lựa chọn làm thủ tục “khai tử” qua mạng, kết hợp gửi nộp giấy đăng ký, biển số xe qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại công an cấp xã.
Việc điều khiển xe hết niên hạn sử dụng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà còn góp phần gây ô nhiễm môi trường. Do đó, người sử dụng xe hết niên hạn thể tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm.
Nghị định 100/2019, nếu đưa xe ôtô hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông thì cả người điều khiển phương tiện và chủ sở hữu xe đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều 17 Thông tư 58, căn cứ danh sách ôtô hết niên hạn sử dụng tại thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan đăng ký xe sẽ thông báo cho chủ xe về việc thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà chủ xe không tự giác nộp lại đăng ký, biển số xe thì cơ quan đăng ký xe sẽ thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe trên hệ thống đăng ký quản lý xe và thông báo cho Công an các đơn vị, địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật. Những năm vừa qua, cùng với sự phát triển, nhu cầu giao lưu thương mại cũng như đi lại của xã hội, cá nhân tăng lên nhanh chóng. Các phương tiện giao thông phải đáp ứng được nhu cầu gia tăng về mọi mặt như số lượng, chất lượng cũng như sự đa dạng. Do đó, trong thời gian gần đây, số lượng ôtô đã tăng lên nhanh chóng, theo thống kê hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 4 triệu xe ôtô. Cùng với việc số lượng ôtô tham gia giao thông ngày càng tăng lên, từ đó cũng tiềm ẩn các mối nguy mất ATGT từ loại phương tiện này đem lại.
Tình trạng hiện nay vẫn còn phương tiện quá hạn kiểm định, phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ô nhiễm môi trường.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cho rằng, lâu nay việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa thông tin về các phương tiện hết đăng kiểm lên nhưng không rõ các đơn vị thực thi phải thu hồi. Trong khi đó, lực lượng đăng kiểm không thể truy tìm các phương tiện hết đăng kiểm, do đó hiệu quả nhất là giao cho công an địa phương (công an xã) theo dõi là thực hiện.
Ước tính hiện còn hàng nghìn xe hết niên hạn được các chủ xe cải hoán chạy tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi không đảm bảo an toàn giao thông.
Nên giao công an quận, huyện
Ông Nguyễn Minh Hải (chuyên gia về đăng kiểm xe cơ giới) cho hay, với lực lượng công an xã hiện rất mỏng và phải đảm nhiệm rất nhiều công việc như hiện nay thì việc giao cho công an xã thực hiện nhiệm vụ làm thủ tục “khai tử” xe ôtô hết niên hạn cũng rất khó. Phần lớn những chủ phương tiện giữ lại phương tiện cũ nát là đã chống đối nên việc tự giác nộp giấy đăng ký, biển số xe qua bưu điện hoặc tại công an xã là rất khó.
Ông Hải cho rằng, phần lớn những phương tiện hết đăng kiểm lưu hành nội bộ trong các nông, lâm trường nên cũng khó thực hiện, cùng đó cần có chính sách hỗ trợ các chủ phương tiện như một số thành phố đang triển khai thu đổi xe máy cũ.
Còn theo ông Dương Văn Mai (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc này không khả thi cụ thể về cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối internet đồng bộ về hệ thống dữ liệu. Theo quy định thì cơ quan nào có thẩm quyền cấp thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi hoặc tiêu huỷ. Hiện Phòng CSGT các quận, huyện tổ chức cấp đăng ký xe, do đó thẩm quyền thu hồi cũng là của Phòng CSGT mới đúng...