Dân Việt

95 ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Đà Nẵng

Diệu Bình 11/05/2022 16:52 GMT+7
Tính đến 29/4, toàn TP.Đà Nẵng ghi nhận 1.109 trường hợp mắc, 95 ổ dịch nhỏ. Số ca mắc, ổ dịch nhỏ xuất hiện ở một số địa phương có nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên lưu trú tại các nhà trọ, khu tập thể.

Ngày 11/5, UBND TP.Đà Nẵng đã có thông tin về việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo UBND TP.Đà Nẵng hiện số trường hợp mắc và ổ dịch nhỏ bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng nhanh trên địa bàn thành phố. Tính đến 29/4, toàn TP.Đà Nẵng ghi nhận 1.109 trường hợp mắc, 95 ổ dịch nhỏ. Số ca mắc, ổ dịch nhỏ xuất hiện ở một số địa phương có nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên lưu trú tại các nhà trọ, khu tập thể.

UBND TP yêu cầu UBND các quận huyện huy động các ban ngành, tổ chức phối hợp ngành y tế triển khai hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn, đảm bảo tất cả các hộ gia đình nguy cơ cao phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy.

Gần 100 ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Đà Nẵng xuất hiện gần 100 ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: D.B

Đồng thời, rà soát, xử lý triệt để các ổ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi tại các công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nơi tập kết lốp xe, đồ phế thải... Có biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị công trình, khu vực trên địa bàn liên tục phát hiện dụng cụ chứa lăng quăng, bọ gậy.

UBND các xã phường cung cấp bản đồ chi tiết đến thôn, tổ dân phố, tuyến đường cho các trạm y tế để xác định kịp thời, chính xác, xử lý hiệu quả các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý. Vận động người dân chủ động loại bỏ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, phòng ngừa muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Đảm bảo bệnh nhân được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh quá tải bệnh viện.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương. Tổ chức phun hóa chất các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, nguy cơ cao, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số vector trước và sau phun để có chỉ định phun phù hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tuyên truyền tại các trường hợp về biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Huy động giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại trường hợp và địa phương cư trú theo hướng dẫn của ngành y tế, thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.

Các sở ngành, đoàn thể phối hợp ngành y tế, UBND các quận huyện triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết và diệt lăng quăng, bọ gậy ngay tại đơn vị, vận động toàn thể cán bộ nhân viên thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy tại cơ quan và tại gia đình, cộng đồng.

Các đơn vị thuộc bộ, ngành, quân đội, công an đóng trên địa bàn tổ chức các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong phạm vi đơn vị, phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trong đơn vị và tại cộng đồng.