Ai Cập đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn tình trạng quấy rối và chào mời du khách kiểu "quá khích", gây bức xúc tại các điểm đến du lịch. (Ảnh: Reuters)
Vụ việc diễn ra vào ngày thứ 3 của dịp nghỉ lễ Eid al-Fitr (đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan, bắt đầu từ 2/5), tại quần thể kim tự tháp Giza nổi tiếng gần Thủ đô Cairo - một trong những điểm đến khảo cổ thu hút khách du lịch hàng đầu của Ai Cập.
Nhóm thiếu niên đeo bám 2 nữ du khách nước ngoài tại quần thể kim tự tháp Giza, vừa bị tạm giữ để điều tra. (Ảnh: Twitter)
Trên mạng xã hội xuất hiện và lan truyền rất nhanh một video cho thấy cảnh tượng đám đông 13 nam thiếu niên bao vây, quấy rối 2 nữ du khách nước ngoài trẻ tuổi tại quần thể kim tự tháp Giza. Nhóm thiếu niên này chế giễu 2 nữ du khách, một số áp sát khi 2 nữ du khách cố gắng thoát khỏi đám đông đeo bám.
Bị 13 thiếu niên quấy rối, 2 nữ du khách nước ngoài cố gắng thoát khỏi đám đông đeo bám. (Ảnh: Twitter)
Một trong 2 nữ du khách thậm chí phải quay lại đẩy một cậu trai ra xa, nhưng hình ảnh trong video không rõ liệu cậu ta có sàm sỡ cô không. Trong video còn có giọng nói của ai đó khuyên nên chuyển những hình ảnh này tới Bộ trưởng Du lịch Ai Cập.
Theo thông báo từ cơ quan công tố, hướng dẫn viên du lịch dùng điện thoại quay lại vụ việc cáo buộc nhóm 13 thiếu niên quấy rối phụ nữ "bằng cả lời nói và thể chất". 13 thiếu niên này ở độ tuổi từ 13-15, hiện đã bị tạm giam chờ kết quả điều tra.
Nếu bị buộc tội, họ sẽ bị đưa ra xét xử trước tòa án dành cho trẻ vị thành niên. Thông báo không đưa ra thêm thông tin nào về 2 nữ du khách bị quấy rối.
Nhóm thiếu niên đeo bám áp sát, khi 2 nữ du khách nước ngoài cố gắng thoát khỏi vòng vây của họ. (Ảnh: Twitter)
Trước đó nhiều du khách tham quan quần thể kim tự tháp Giza và các địa điểm khảo cổ nổi tiếng khác ở Ai Cập, cũng đã phàn nàn vì tình trạng tương tự. Họ bị những người đàn ông trẻ tiếp cận, đeo bám kiểu "quá khích", chèo kéo tham gia các tour cưỡi ngựa, lạc đà hoặc mua quà lưu niệm.
Vụ đeo bám quấy rối nữ du khách lần này xảy ra bất chấp cảnh báo của nhà chức trách trước dịp lễ Eid al-Fitr, cũng là giữa lúc Ai Cập đang tăng cường nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế thời hậu Covid-19. Bởi thế nó khiến dư luận Ai Cập dậy sóng phản ứng.
Một số báo còn liên tưởng vụ này với cái gọi là "Taharrush gamea" (thuật ngữ Arab tạm dịch là "quấy rối tập thể"), đề cập tới các cuộc tấn công tình dục do những nhóm đàn ông thực hiện nơi công cộng.
Hình ảnh nữ phóng viên kênh truyền hình Mỹ CBS Lara Logan trên quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo của Ai Cập, khoảnh khắc trước khi cô bị tấn công năm 2011. (Ảnh: Reuters)
"Taharrush gamea" diễn ra khi hàng chục người đàn ông lúc đầu bao vây một phụ nữ đơn độc. Một số sau đó tấn công tình dục, sàm sỡ hoặc thậm chí cưỡng hiếp nạn nhân. Trong khi những người đàn ông khác không trực tiếp tham gia nhưng theo dõi, hoặc tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của những người ngoài cuộc.
Một trong những trường hợp "Taharrush gamea" đầu tiên được đưa tin trên các phương tiện truyền thông phương Tây là vụ việc xảy ra với nữ phóng viên kênh truyền hình Mỹ CBS Lara Logan. Cô đã phải chịu đựng tấn công quấy rối trong khi đưa tin về một cuộc biểu tình ở Ai Cập năm 2011.
Một thành viên lực lượng Hagana (Cảnh sát cưỡi lạc đà của Ai Cập) làm nhiệm vụ tại quần thể kim tự tháp Giza nổi tiếng. (Ảnh: Reuters)
Tình trạng quấy rối tình dục ở Ai Cập từ đó gây chú ý nhiều hơn, nhất là sau khi có những phụ nữ Ai Cập mạnh dạn lên tiếng trên mạng xã hội về "Taharrush gamea".
Nhà chức trách Ai Cập đã tăng hình phạt với tội danh quấy rối tình dục lên tới 5 năm tù, đồng thời tăng cường nỗ lực ngăn chặn tình trạng quấy rối và chào mời du khách kiểu "quá khích", gây bức xúc tại các điểm đến du lịch.