Dân Việt

Thiên tượng hung hiểm "Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm" và cái kết của 2 hoàng đế

Ninh Sơn 12/05/2022 09:31 GMT+7
Dưới đây là câu chuyện về số phận hai vị quân vương ứng với thiên tượng hung hiểm "Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm".

Người xưa mặc khải được rằng, nếu con người thuận Đạo Trời mà hành xử thì Trời liền hiện ra những điều may mắn, cát tường. Khi ấy, mưa thuận gió hòa, mùa màng sẽ bội thu và đất nước thái bình, người dân sống an định. Trái lại, nếu con người làm ra những việc nghịch Đạo Trời, phạm phải việc xấu, thì Trời sẽ giáng xuống những điềm xấu, những hiện tượng kỳ dị. Khi ấy, thời tiết sẽ khô cằn, hạn hán hoặc lũ lụt, thiên tai, đất nước xảy ra binh biến, người dân sống trong loạn lạc, lầm than. 

Ngoài ra, người xưa còn tin rằng thiên tượng là sự cảnh báo của Trời cao dành cho con người, đặc biệt là Hoàng đế. Nếu Hoàng đế có thể tỉnh ngộ, thông qua đó mà sửa chữa những khuyết thiếu trong đức hạnh hay việc trị quốc của mình thì thiên tai sẽ nhanh chóng biến mất. Sự việc này duyệt xem sử sách có thể thấy vô cùng nhiều. Dưới đây là câu chuyện về số phận hai vị quân vương ứng với thiên tượng hung hiểm “Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm”.

Thiên tượng hung hiểm "Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm" và cái kết của 2 hoàng đế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sửa đức kéo dài dương thọ

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép về lời Lại bộ hữu thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng lên Bình An vương Trịnh Tùng như thế này: “Trộm nghĩ, trời giáng tai dị hay ban điềm lành là do có đức hay không. Làm điều thiện thì hiện ra điềm lành, làm điều ác thì răn bằng tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không tổn hại gì. Cho nên người xưa lấy trời để tự xử mà kính cẩn đối với mệnh trời. Hán Văn Đế biết thuận lòng trời mà biến dị đều hết, Tống Cảnh Công nói một câu lành mà sao xấu lui đi”.

Lời tấu này có nhắc đến chuyện Tống Cảnh Công sửa đức kéo dài dương thọ, đây là một sự việc khá nổi tiếng được ghi chép rộng rãi thời xưa. “Tân tự tạp sự tứ” của Lưu Hướng có chép chuyện này như sau:

Vào thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công làm vua nước Tống, năm thứ 37 xuất hiện thiên tượng Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm, tức là hiện tượng sao Hỏa (chủ việc binh đao) xâm nhập vào phạm vi của Tâm túc tinh, là điềm hung hiểm cực xấu. Tống Cảnh Công kính sợ thiên thượng, trong lòng lo âu, gọi Tử Vi đến hỏi: “Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm là đại biểu cho điều gì?”

Tử Vi nói: “Huỳnh hoặc là đại biểu cho sự trách phạt của thiên thượng. Tai họa sẽ ứng vào thân của quân chủ nước Tống. Mặc dù vậy, có thể chuyển Huỳnh Hoặc vào thân của tể tướng”.

Tống Cảnh Công nói: “Tể tướng là nhân tài trị quốc, chuyển vào thân của ông ấy thì ông ấy sẽ chết. Không được. Quả nhân sẽ tự mình gánh chịu”.

Tử Vi nói: “Cũng có thể chuyển vào thân của bách tính”.

Tống Cảnh Công nói: “Bách tính chết đi thì ta làm quốc vương còn có ý nghĩa gì nữa? Ta nguyện một mình ta chết cũng được”.

Tử Vi nói: “Vậy có thể chuyển sang kết quả thu hoạch mùa màng của năm sau”.

Tống Cảnh Công nói: “Kết quả thu hoạch mùa màng năm sau không tốt thì dân chúng sẽ chết đói. Vì ham muốn của quân vương mà giết dân chúng của mình thì quá tùy tiện, ai còn xem ta là quân chủ nữa? Mệnh của quả nhân đã đi đến cùng rồi, khanh không cần nói nữa.”

Tử Vi quỳ xuống nói: “Vi thần to gan xin chúc mừng đại vương. Thiên thượng ở trên cao nhất định có thể nghe thấy lời của ngài. Đại Vương ba lần nói lời nhân từ, thiên thượng nhất định sẽ thưởng cho ngài ba lần. Đêm nay nhất định tinh tượng sẽ biến đổi ba lần, thọ mệnh của đại vương sẽ kéo dài thêm hai mươi mốt năm”.

Cổ nhân có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi nói. Mọi người cho rằng Tống Cảnh Công vì sinh thiện niệm, đức hạnh cảm động lòng trời. Nhờ vậy mà nước Tống đã tránh được đại nạn.

Thiên tượng Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm một lần nữa xuất hiện vào cuối thời Tây Hán. Nhà Tây Hán diệt vong đã bắt đầu có dấu hiệu từ thời Hiếu Thành Đế rồi. Hiếu Thành Đế được xem là một vị hoàng đế hoang dâm. Thời Hiếu Thành Đế trị vì nổi tiếng vì có nhiều thiên tượng kỳ lạ. Trong Tư Trị Thông Giám, cuốn chính sử nổi tiếng của Tư Mã Quang có ghi chép đoạn sử cuối thời Tây Hán rất chi tiết.

Ngay từ khi Hiếu Thành Đế lên ngôi thì tháng 8 năm ấy xuất hiện hai mặt trăng trên dưới nối nhau. Không lâu sau xuất hiện thủy tai, đê Kim của sông Hoàng Hà vỡ. Tư Trị Thông Giám ghi rằng nước “nhấn chìm cả thảy 4 quận 32 huyện, ngập 15 vạn khoảnh ruộng, sâu ba trượng; phủ quan, trạm dịch, nhà dân vỡ lở cả thảy gần bốn vạn nóc nhà”. Đến năm 26 TCN, cũng thời này, động đất ở quận Kiền Vi, đê sông Hoàng Hà lại vỡ. Đến năm 17 TCN thì sông Hoàng Hà lại “nhấn chìm 31 huyện ấp, phủ quan và hơn bốn vạn nhà dân đổ nát”, vậy nhưng Hiếu Thành Đế không cho lấp chỗ vỡ đê. Ngoài thủy tai thì mưa tuyết và đại hạn thời kỳ Hiếu Thành Đế cũng xảy ra nhiều.

Nếu duyệt qua ghi chép trong Tư Trị Thông Giám về Hiếu Thành Đế, nhật thực đặc biệt nhiều. Ngoài ra, các loại thiên tượng thi nhau mà đến. Năm 22 TCN, tháng 3, 8 viên thiên thạch rơi ở Đông Quận. Năm 19 TCN, tháng 5, có 3 viên thiên thạch rơi ở huyện Đỗ Bưu… Tế miếu, các nơi cúng tế thời Hiếu Thành Đế cũng xảy ra nhiều lần hỏa hoạn. Thậm chí năm 14 TCN thì ở cung Cam Tuyền xảy ra việc gió lốc làm đổ cung bái vọng bằng trúc, hơn trăm cây cổ thụ to lớn trở lên bị gãy đổ bật gốc.

Năm 10 TCN, Trung lũy Hiệu úy Lưu Hướng bàn rằng: “…nơi nhà Hán hưng khởi qua, giờ đây núi lở sông khô, sao chổi lại đi qua Nhiếp Đề, Đại Giác, từ sao Sâm đến sao Thần, e rằng tất có việc vong quốc đấy!” Năm 9 TCN, hai viên thiên thạch rơi ở vùng Quan Đông.

Hiếu Thành Đế dẫu có nhiều người can gián, cũng để mở cho quần thần dâng thư, nhưng nghe rồi, thậm chí cảm động rồi, nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy. Về cơ bản, Hiếu Thành Đế không sửa được thói hoang dâm của mình. Rốt cuộc đến năm 7 TCN, thiên tượng hung hiểm Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm xuất hiện.

Từ ghi chép cổ, triều đình cực kỳ lo lắng về điều này. Lại thêm sách sử cũ đã nhắc đến việc Tử Vi nói “có thể chuyển Huỳnh Hoặc vào thân của tể tướng”, nên có người dâng thư cho Thừa tướng Trạch Phương Tiến, đề nghị Thừa tướng chết thay Hoàng đế để ứng với thiên tượng hung hiểm.

Ở trong cung, quan lang Bí Lệ dâng thư, nói với Hiếu Thành Đế rằng đại thần nên gánh họa thay chúa thượng. Hiếu Thành Đế bèn triệu Phương Tiến nói về việc ấy. Phương Tiến từ trong cung trở ra, chưa kịp tự sát, Hiếu Thành Đế đã lập tức ban thư trách mắng Phương Tiến không chỉnh trị tốt chính sự, khiến thiên tai nhân họa kéo đến. Hôm đó, Phương Tiến đành tự sát.

Sau khi Phương Tiến tự sát, Hiếu Thành Đế giữ kín việc, đồng thời ban tặng hậu hĩnh, lại tự mình đến viếng Phương Tiến, hơn hẳn lệ thường.

Thế nhưng cũng năm 7 TCN, Hiếu Thành Đế đang đêm ngày Bính Tuất, muốn khoác áo đứng dậy thì “đột nhiên áo tuột khỏi tay, miệng không nói được”, rồi băng. Thân thể vị Hoàng đế này vốn cường tráng, không bệnh tật gì, vậy mà không thoát khỏi thiên tượng.

Có thể nói tất cả những việc mà Hiếu Thành Đế làm chỉ là “Dối Trời rốt cục lừa mình” mà thôi. Tư Mã Quang bàn về Hiếu Thành Đế rằng: “Hiếu Thành muốn dối Trời, lừa người mà rút cục không ích gì, có thể gọi là người không hiểu biết thiên mệnh.”

Hiếu Thành Đế hoang dâm vô độ, dẫn đến hiếm con. Nhưng ông lại vì sủng ái Triệu Phi Yến mà bí mật tự tay cùng Triệu Phi Yến giết chết con đẻ do người khác sinh ra. Chuyện này mãi khi Hiếu Ai Đế lên ngôi, mới có quan dâng thư tấu trình sự việc. Hiếu Thành Đế do không có con kế vị, triều chính nhà Hán rối loạn, cuối cùng chỉ sau vài đời Hoàng đế nhỏ tuổi, Vương Mãng dựa vào mối quan hệ với Thái hậu mà khống chế tất cả, diệt nhà Tây Hán, lập nên nhà Tân.

Tinh tượng hung hiểm đại biểu cho biến hóa của thiên tượng, đối ứng với phúc họa của con người. Tuy nhiên, phúc họa lại do sự lựa chọn của mỗi người. Trời đất dùng sự biến đổi thiên tượng để cảnh báo thế nhân, đứng trước tai nạn mà xem xét từng ý niệm của con người. Nếu con người lựa chọn điều thiện thì vận mệnh của người đó sẽ biến đổi tốt hơn. Nếu con người không thể sửa đức thì dẫu có làm gì cũng vô dụng.