Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm đến 12h ngày 12/5, toàn thành phố có 7.129 ca sốt xuất huyết, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, có đến 158 ca nặng, tăng 532% (hơn 5 lần), 6 ca tử vong, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021. "Đây là dịch đang rất đáng báo động, HCDC đang giám sát chặt chẽ các quận huyện. Sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị, do đó quan trọng nhất là phòng chống, diệt muỗi, lăng quăng, nhất là đang vào mùa mưa", ông Tâm nhấn mạnh.
UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị trên địa bàn TP về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa. TP ghi nhận các quận, huyện có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
UBND TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống ngành y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn TP chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, UBND TP yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ.
Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức lên danh sách các điểm nóng môi trường có nguy cơ đọng nước chứa lăng quăng là nơi phát sinh muỗi và có phương án giải quyết…
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể tử vong. Trong thời điểm hiện nay, khi số ca sốt xuất huyết nặng đang tăng cao hơn thì nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết luôn hiện hữu. Do đó, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, các phòng khám y khoa khi phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết cần hướng dẫn người dân và chuyển viện kịp thời.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP đang rà soát các đối tượng để chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 mũi 4. Các đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 (nhắc lại lần 2) là người từ 50 tuổi trở lên (hơn 1 triệu người); người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Vaccine sử dụng để tiêm là vaccine mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do Astrazeneca sản xuất; vaccine cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Thời gian tiêm mũi 4: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).