Dân Việt

Xăng tiếp tục tăng, người lao động nghèo ở TP.HCM chật vật mưu sinh

Chinh Hoàng 13/05/2022 16:33 GMT+7
Giá xăng tiếp tục tăng cao đỉnh điểm gần 30 nghìn đồng/lít, người lao động ở TP.HCM tiếp tục luẩn quẩn trong vòng vây khó khăn…

Giá cả hàng hoá, nhiên liệu cùng tăng mạnh trong thời điểm này, nhiều người lao động thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp không nguôi lo lắng. Trong khi đó thu nhập của người lao động vẫn giữ nguyên, không hề tăng từ năm ngoái đến nay. Thậm chí trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến mạnh từ 2020, nhiều người phải chấp nhận "sinh tồn" với mức lương chia đôi, chia ba.

Người lao động chật vật khi xăng tăng

Sống trong căn trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức), anh Nguyễn Văn Cường cùng vợ con phải cố gắng chi tiêu tằn tiện, để vượt qua những ngày tháng khó khăn sau dịch Covid-19. 

Với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng từ chiếc xe bán rau tự chế, vợ chồng anh Cường phải cố gắng chi tiêu cần kiệm mới đủ trang trải trong thời kì giá xăng cùng với mọi thứ tăng dần đều.

Xăng tiếp tục tăng, người lao động nghèo ở TP.HCM chật vật mưu sinh - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Cường (người lao động tự do) cùng vợ con phải cố gắng chi tiêu tằn tiện trong thời kì giá xăng tăng. Ảnh: Chinh Hoàng

"Mỗi ngày, hai vợ chồng chạy cái xe chở rau củ đi bán rong tại mấy khu công nghiệp, thu nhập cũng được 100.000 – 200.000 đồng. Nhưng năm ngoái dịch bệnh quá, không đi làm được nên phải đi vay mượn để sống qua ngày. Giờ được đi làm lại, chưa hết khổ thì lại gánh thêm khoản giá xăng, giá hàng hóa tăng", anh Cường nói.

Xăng tiếp tục tăng, người lao động nghèo ở TP.HCM chật vật mưu sinh - Ảnh 2.

Vợ anh Nguyễn Văn Cường trên chiếc xe bán rau. Ảnh: Chinh Hoàng

Anh Cao Trung Đức (sống cùng khu trọ với anh Cường), với ước muốn quay lại TP.HCM kiếm việc làm, cuối năm có một khoản tiết kiệm nhỏ để dành cưới vợ. 

Với mức thu nhập từ nghề phụ hồ trung bình khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng, trong thời kì giá xăng tăng những tháng qua số tiền anh kiếm được đủ chi phí sinh hoạt không thể để dành được do vật giá quá cao.

Công việc phụ hồ của anh Đức bấp bênh, nếu gần đủ công thu nhập chỉ hơn 7 triệu anh bày tỏ: " Giờ giá xăng tăng, giá gas tăng mọi thứ đều tăng… Chỉ có lương là từ mấy năm nay vẫn như thế".

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Để hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong thời kỳ bão giá như hiện nay, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, cho biết đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp cho người lao động giảm bớt khó khăn trong bão giá hiện nay, điển hình là tổ chức các Điểm phúc lợi đoàn viên, bán các mặt hàng thiết yếu, thường xuyên với giá tốt cho người lao động.

Xăng tiếp tục tăng, người lao động nghèo ở TP.HCM chật vật mưu sinh - Ảnh 3.

Xăng tăng người lao động tự chật vật mưu sinh, đặc biệt các xe ôm công nghệ. Ảnh: Chinh Hoàng

Cụ thể, tại Điểm phúc lợi đoàn viên, đoàn viên công đoàn, người lao động được mua hàng với giá ưu đãi từ 10%-30% so với giá thị trường. Các doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp đưa các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng hàng ngày như gạo, dầu ăn, nước mắm, áo quần, giày dép… đến tay người lao động. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tặng phiếu mua hàng trị giá 20.000 đồng/phiếu cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi mua một số sản phẩm thiết yếu mang nhãn hàng của doanh nghiệp.

"Điểm phúc lợi đoàn viên được tổ chức theo hình thức điểm cố định hoặc lưu động theo yêu cầu của các đơn vị doanh nghiệp, khu lưu trú, nhà trọ có đông công nhân. Hiện nay đã có 2 điểm tại quận Bình Tân và Gò Vấp, sắp tới sẽ tiếp tục triển khai tại nhiều quận, huyện khác. Trong tình hình bão giá như hiện nay, Điểm phúc lợi đoàn viên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho người lao động", ông Đô nói.

Ngoài ra, trong Tháng công nhân năm 2022, LĐLĐ TP.HCM sẽ tổ chức hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn, đang nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo… bằng việc tổ chức "Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình" với 2 hình thức là bán trực tiếp và bán online. Song song đó là triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động khó khăn trong Tháng công nhân 2022.

"Năm nay, LĐLĐ TP sẽ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức chăm lo. Như vậy công tác chăm lo đoàn viên, người lao động sẽ được đầy đủ, phân kỳ, đảm bảo không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất", ông Đô nói thêm.

Liên quan đến vấn đề tăng lương cho công nhân, người lao động, ông Nguyễn Thành Đô cho biết thêm, LĐLĐ TP.HCM đã chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở chủ động, kiên trì thương lượng với các chủ doanh nghiệp tăng lương cho người lao động trong năm nay.

"Hiện nay, lương không tăng nhưng giá cả hàng hóa lại tăng, như vậy buộc phải tăng lương cho người lao động để họ có thêm thu nhập. Vì mức lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo giúp cho người lao động tái tạo được sức lao động, gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", ông Đô chia sẻ.