Học sinh lớp 3 bị cô giáo đánh roi vào lưng và vai vì lỗi không thuộc bài. Trường Tiểu học Diễn Yên 1 (Diễn Châu, Nghệ An) vừa có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày với cô giáo để xác minh làm rõ.
Nhìn tấm lưng và bờ vai bầm tím của trẻ, sao lòng tôi xót xa quá! Dẫu có thể thông cảm với sự cả giận mất khôn của cô giáo trong tình huống trò thiếu hụt bài vở nhưng thú thật, một người mẹ như tôi thấu hiểu nỗi đau đớn lẫn xót xa khi nhìn tấm lưng và bờ vai bầm tím một mảng lớn của con trẻ.
Vấn nạn bạo lực học đường vẫn luôn nhức nhối
"Trường học thân thiện, học sinh tích cực" và "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" thể hiện rõ khát vọng và nỗ lực thắm tô bức tranh môi trường giáo dục tươi đẹp góp phần nuôi dưỡng, vun bồi nhân tài dựng xây đất nước.
Trường học phải là nơi vun đầy tình yêu thương và sự tôn trọng giữa thầy - trò. Tiếc thay, một vài vụ việc nhức nhối về vấn nạn bạo lực học đường thỉnh thoảng lại dội đến khiến lòng người trăn trở.
Nhiều giáo viên nơi nơi thỉnh thoảng bị phụ huynh "tố" đánh trẻ bầm tím tay chân vì không tập trung viết bài, nói chuyện, làm việc riêng. Trước đó nữa, clip về những giáo viên nóng tính tát tai trò, bắt nằm trên bàn đánh mấy roi gây phẫn nộ dư luận.
Tất cả sẽ dần chìm vào vòng xoáy của tin tức nhưng những bài học lớn về cách giáo dục trẻ vẫn cần được khơi lên để soi chiếu và rút kinh nghiệm.
Chúng ta có thể thông cảm phần nào với áp lực quản lý lớp, giáo dục trẻ của giáo viên. Các thầy cô đang dùng tất cả mọi biện pháp giáo dục có thể trong khuôn khổ để uốn nắn trẻ vào nề nếp, kỷ luật. Tuy nhiên, một sai lầm không hề nhỏ đó là không ít giáo viên đã tuyệt đối hóa quyền uy của người thầy.
Tôi nghĩ một đứa trẻ nói chuyện trong giờ học một vài lần hay mắc một vài lỗi không thuộc bài, chưa soạn bài là chuyện có thể thông cảm được. Đừng bắt trẻ ngồi yên không nhúc nhích, tập trung học hết tiết này đến tiết khác, đó là điều không tưởng. Ngay người lớn chúng ta đã kiên trì và nghiêm túc được như thế chưa? Cũng đừng bắt tất cả bọn trẻ phải giỏi toàn diện, phải nề nếp tuyệt đối khi mỗi đứa trẻ là một con người với năng lực riêng và cá tính riêng.
Một người thầy đứng lớp không chỉ là người truyền dạy tri thức mà còn là người uốn nắn tâm hồn cho trẻ. Nói cách khác, người thầy phải là những nhà sư phạm thật thụ chứ không đơn thuần là "thợ dạy", "máy dạy". Ngay đến những học sinh cá biệt với những lỗi lầm không thể tha thứ, người thầy cũng phải tìm phương pháp giáo dục hợp lý. Huống hồ gì là những cô bé cậu bé ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" và đang loay hoay định hình nhân cách!
Vậy mà nhiều giáo viên đã áp dụng phương pháp giáo dục thiếu sư phạm bằng đòn roi và muôn kiểu bạo hành tinh thần bằng lời chì chiết, tiếng mắng chửi. Tiếc thay…
Những tổn thương về mặt thể xác chắc chắn đã in hằn, dẫu thời gian có chữa lành nhưng sự thương tổn về mặt tâm hồn, tâm lý, cảm xúc thì không thể nào đong đếm được. Những giọt nước mắt cùng nỗi lo lắng, sợ hãi, xấu hổ manh nha từ lúc nào trong tâm hồn trẻ thơ. Và khi con trẻ không chịu đi học, sợ đến lớp, sợ giáo viên, chắc hẳn những chấn động tâm lý ấy không hề nhỏ chút nào.
Người thầy ép con trẻ phải sợ hãi, chẳng khác đào hố sâu ngăn cách tình thầy trò. Làm sao giữa thầy và trò có sự kết nối, tương tác?! Làm gì có sợi dây yêu thương giữa những "người mẹ thứ hai" và con trẻ?!
Giáo dục tôn trọng sự khác biệt cá tính hay cào bằng cá tính mới là tối ưu?
Các thầy cô muốn vào một lớp học mà hơn bốn chục cháu đều chăm chỉ làm bài, ngoan ngoãn nghe lời dặn dò là điều tất nhiên. Nhưng đi kèm với đó là những khuôn mặt vô hồn chỉ biết học, không ý kiến, chẳng phản biện, chả sáng tạo nốt thì sẽ thế nào? Chúng chẳng khác gì những "con cừu" ngoan ngoãn, ngơ ngác ngác ngơ…
Một thời đại mới về giáo dục đã mở ra với những quan niệm mới về sáng tạo, phản biện. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận một cách hiểu khác về khát vọng "con ngoan, trò giỏi"? Không phải cứ nhất nhất nghe lời là ngoan. Càng không phải hễ thể hiện cá tính riêng là không ngoan!
Dù áp lực công việc lớn đến đâu cũng xin đừng vô tình cắt đứt sợi dây yêu thương, kết nối với con trẻ…