Đăng ký học cao đẳng thay vì đại học
Theo số liệu đăng ký dự thi đến thời điểm 17h ngày 13/5, Bộ GDĐT cho biết, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó, tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh là 859.531 (chiếm 85.87%). Tương tự như các năm khác, cùng với thí sinh tự do, có gần 900.000 thí sinh đăng ký xét tuyển sinh.
Tuy nhiên, xem xét năng lực học tập, tài chính cũng như sở thích, trong số đó nhiều học sinh cho biết không đăng ký thi đại học mà sẽ học cao đẳng.
Em Nguyễn Trung Thành, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc cho hay: "Em quyết định chọn học cao đẳng vì chỉ mất thời gian hơn 2 năm và được đào tạo hết các kỹ năng trước khi ra trường thay vì 4-5 năm ở đại học. Ở cao đẳng sẽ giảm tải được việc học lý thuyết. Trong quá trình học cao đẳng vẫn có thể lựa chọn học đại học nếu như muốn học cao lên nữa. Việc được đi kiến tập và thực tập ở cao đẳng được diễn ra ngay năm nhất chỉ sau 2-3 kỳ học. Điều đó giúp cho sinh viên trải nghiệm với thực tế và có những cái nhìn tổng quát hơn về việc mình sẽ làm trong tương lai".
Thành cũng cho hay, sau khi học xong, bằng cao đẳng cũng là một lợi thế hơn so với các bạn tốt nghiệp THPT. Nhiều công việc yêu cầu từ bằng cao đẳng trở lên.
Đồng quan điểm, em Đinh Thị Quỳnh, học sinh Trường THPT Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Em quyết định đăng ký học cao đẳng vì thời gian ngắn hơn, được thực tập nhiều hơn giúp em va chạm thực tế, có cái nhìn tổng quát về một doanh nghiệp khi làm việc.
Ngay cả khi muốn đi xuất khẩu lao động thì có bằng cao đẳng sẽ lợi thế hơn sau khi về nước. Nhiều công việc yêu cầu từ bằng cao đẳng trở lên và với năng lực ngôn ngữ cộng với bằng cấp đã có thì việc tìm một công việc dễ dàng hơn nhiều".
Không chỉ có học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi sắp tới mà nhiều sinh viên cũng thấy hài lòng sau 1 năm học cao đẳng. Năm ngoái, đứng trước lựa chọn cao đẳng hay đại học, xin việc ở một spa nào đó hay đi học cao đẳng hoặc xuất khẩu lao động, em Nguyễn Thị Thu Hiền, học sinh Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã quyết định chọn ngành Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng Việt Mỹ, Hà Nội.
Huyền bày tỏ: "Em may mắn được nhận học bổng của trường và đó là lý do em muốn theo học để giúp đỡ bố mẹ em phần nào học phí. Ngoài ra, chương trình đào tạo ngắn hơn đại học, chỉ có 2 năm 4 tháng và được thực tập có lương ngay từ năm đầu tiên, được thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp. Bởi vậy, không phải học đại học hay đi xuất khẩu lao động có tiền mới là thành công, học cao đẳng em thấy mình trưởng thành hơn và kỳ vọng sẽ thành công sau khi ra trường".
Em Nguyễn Hồng Hà, sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Hàn tại một trường cao đẳng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng hài lòng với quyết định của mình. Hà cho hay, sau một năm học, bản thân có cái nhìn nhận khác hơn về học cao đẳng. Học cao đẳng không hề ít cơ hội hơn đại học, vì sự cọ xát với thực tế cũng như sự hợp tác của trường với những doanh nghiệp sẽ đảm bảo hơn cho sinh viên có công việc sau khi ra trường.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc chọn học cao đẳng hiện nay của các bạn trẻ, bà Trần Thị Mỹ Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ, Hà Nội cho hay, cũng từng nhận được nhiều quan tâm của phụ huynh và học sinh khi chọn học cao đẳng như ngành nào phù hợp với xu thế, lương ngành nào cao, học xong lương được bao nhiêu, có khó xin việc không, học cao đẳng có hơn đại học không?...
"Có thể nói việc đây không phải là lựa chọn mà là nhu cầu "nóng", tất yếu, phù hợp với nhu cầu cá nhân cũng như nhu cầu xã hội như thời gian học ngắn, có việc làm ngay trong thời gian học và sau khi ra trường", bà Hằng nêu quan điểm.
Theo bà Hằng, trường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đào tạo cho sinh viên, có đầy đủ mối quan hệ với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập, làm việc ngay trong thời gian hướng nghiệp. Các ngành đào tạo là những ngành ứng dụng cao. Ví dụ như ngành Quản trị khách sạn, vừa hết dịch Covid-19 đã có rất nhiều khách sạn đặt hàng sinh viên ra làm. Hệ sinh thái của trường cũng trải rộng cả nước, đội ngũ giáo viên xuất phát từ doanh nghiệp và được chính đội ngũ CEO, Founder trực tiếp đào tạo, tư vấn.
Ngoài ra, chính doanh nghiệp của được hưởng lợi khi đặt hàng nhà trường đào tạo theo đúng modul nhu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, học cao đẳng cũng thách thức các bạn sinh viên. Một số ngành đòi hỏi trình độ, tư duy khó hơn. Ví dụ như ngành Công nghệ thông tin đòi hỏi phải học toán khó hơn nên là rào cản cho các bạn học cao đẳng. Ngành chăm sóc sắc đẹp không chỉ đơn thuần là học nghề mà sinh viên phải học kỹ năng giao tiếp, marketing, quản trị doanh nghiệp. Tất nhiên, chương trình học sẽ không khó như học đại học. Một số ngành hot hiện nay sinh viên đang theo học cao là nhóm ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, ngôn ngữ, thiết kế...
Nói về việc liệu sinh viên có cảm thấy tự ti khi nhận bằng cao đẳng thay vì đại học hay các doanh nghiệp coi trọng bằng cấp, bà Hằng cho biết: "Thực tế có nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng sinh viên ở các trường Cao đẳng chứng tỏ các doanh nghiệp không quá coi trọng bằng cấp. Doanh nghiệp khẳng định chỉ cần người làm được việc và có thái độ tốt. Bằng cấp là khái niệm xưa rồi".
Cao đẳng là hình thức đào tạo cũng sau bậc THPT nhưng đi sâu vào thực hành nghề nghiệp. Trước năm 2017, các trường Cao đẳng được phân thành hai loại hình gồm cao đẳng chính quy và cao đẳng nghề. Cao đẳng chính quy đào tạo theo hình thức tập trung dưới dạng tín chỉ và niên chế, do Bộ GDĐT quản lý. Trong hệ đào tạo chính quy, sinh viên sẽ được học song song lý thuyết và kỹ năng nhưng lý thuyết sẽ tối giản so với Đại học. Thông thường, đào tạo chính quy được thực hiện trong vòng 3 năm.
Hệ đào tạo cao đẳng nghề cũng theo hình thức tập trung nhưng đi sâu vào trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên với 70% thời lượng thực hành trong suốt thời gian học. Mục đích chính của cao đẳng nghề chính là tập trung vào thực hành hơn là lý thuyết. Thông thường, với cao đẳng nghề, học viên sẽ phải trải qua thời gian học tập từ 2,5 đến 3 năm. Hiện nay, cao đẳng nghề mở rộng đào tạo các ngành nghề trên mọi lĩnh vực: quản trị, biên phiên dịch, dược, điều dưỡng, thiết kế, công nghệ thông tin cho đến kỹ thuật, ô tô, điện,…