Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP.Thanh Hóa chia sẻ: "Trước hết, chúng ta phải dành cho môn Lịch sử một vị trí xứng đáng trong chương trình giáo dục. Lịch sử là môn học rất quan trọng, cần xác định đây là môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông, cần tăng thêm thời lượng và giảm lượng kiến thức".
Theo thầy Hiển, môn Lịch sử chỉ là một thành tố của nhận thức lịch sử, vì là môn học về quá khứ nên để thu hút được học sinh phải được xây dựng trên những nhận thức đúng đắn nhất và khoa học nhất; phải khách quan và toàn diện, phản ánh đúng sự thật lịch sử.
Về phía giáo viên: Khi dạy học, giáo viên cần giúp học sinh xâu chuỗi kiến thức thành một sợi xích kéo dài, đặt kiến thức lịch sử đúng với tầm nhận thức và khả năng tư duy của học sinh. Giáo viên cũng cần sử dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để áp dụng vào quá trình dạy học: Bằng tranh ảnh, video và bài giảng điện tử với hiệu ứng hay là cách để học sinh hào hứng học tập.
Thêm nữa, giáo viên cần thay đổi cách dạy, không truyền thụ một chiều mà nên đặt ra những vấn đề mới và cùng học sinh thảo luận đa chiều, sau đó rút ra kết luận để học sinh hình thành, củng cố kiến thức.
Về phía học sinh: Cần xác định rõ mục tiêu và quyết tâm học tập, biết cách nắm vững kiến thức cơ bản.
Trước hết, học sinh cần bám sát SGK, bám sát hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ GDĐT. Đồng thời, cần kết hợp với các kiến thức nâng cao trong các tài liệu chuyên ngành hoặc tham khảo thêm kiến thức trên báo chí, các kênh truyền thông chính thống.
Để nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh cần có thái độ nghiêm túc, tự học trước ở nhà, đọc trước SGK và các tài liệu cần thiết (nếu có). Khi đến lớp chú ý nghe thầy/cô giảng những ý chính, coi đó là bộ khung để xây dựng hệ thống kiến thức cho bản thân.
Cần nắm vững kiến thức theo các bước: Xác định bối cảnh lịch sử (nguyên nhân bùng nổ sự kiện, hiện tượng) -> Diễn biến sự kiện (nội dung chính) -> Kết quả (kết quả lớn nhất, kết quả cơ bản nhất…) -> Ý nghĩa lịch sử của sự kiện, hiện tượng (ý nghĩa lớn nhất, cơ bản nhất…) -> Liên hệ thực tế đến hiện nay (nếu có). Cuối cùng, nhất thiết các em phải học bài cũ, làm các bài tập ở cuối bài theo hình thức tự luận dù thi trắc nghiệm, đó là cách nắm vững kiến thức cơ bản tốt nhất.
Khi đã nắm tương đối kiến thức cơ bản, học sinh cần có phương pháp luyện tập để trau dồi kỹ năng nhận diện và kỹ thuật giải quyết vấn đề bằng cách luyện đề. Với phương pháp thi trắc nghiệm, nguồn đề minh họa và chính thức của các năm, nguồn đề từ các sở GDĐT và từ các trường lớn sẽ là địa chỉ đáng tin cậy.
Để có thể ghi nhớ lâu một vấn đề lịch sử, học sinh cần biết xâu chuỗi các sự kiện, giai đoạn lịch sử với nhau, đi theo từng nội dung. Học sinh cũng có thể áp dụng cách học theo từ khóa, xác định các vấn đề trọng tâm qua từ khóa và học thuộc, nắm chắc những từ khóa cơ bản nhất.
Để làm được một bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử đạt điểm cao, ngoài nền tảng kiến thức vững chắc thì các em còn cần đến một phương pháp làm bài khoa học.
Bước đầu tiên, không thể thiếu với bất cứ dạng bài tập dù tự luận hay trắc nghiệm là học sinh phải đọc thật kỹ câu hỏi và đáp án. Cố gắng đọc lướt qua một lượt và xác định ngay những câu hỏi dễ mà bản thân chắc chắn đáp án, dùng bút chì khoanh tròn vào đáp án chính xác.
Phân bổ thời gian và tuyệt đối không được để trống đáp án khi nộp phiếu đáp án. Nên nhớ, bài thi trắc nghiệm các câu hỏi dù khó hay dễ đều bằng điểm nhau, nên các em cứ câu dễ làm trước câu khó làm sau để đảm bảo đạt điểm cao nhất. Điều quan trọng là phân bố thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, 20 câu dễ làm nhanh, tận dụng thời gian để giải quyết những câu khó phía sau, nếu hết thời gian mà vẫn còn những câu chưa làm được thì nên phỏng đoán một đáp án rồi tô, tuyệt đối không để phiếu đáp án trống một câu nào.
Xác định từ khóa trong câu hỏi và đáp án. Với đa số các câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi khó phải tìm được từ "từ khóa" trong câu hỏi, đây chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Mỗi khi đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên là các em phải tìm được từ khóa nằm ở đâu, điều này giúp định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với chính từ khóa đó. Đây được xem là cách để giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.
Cuối cùng, một phương pháp cứu nguy lúc không thể áp dụng cách tìm từ khóa hay rơi vào phần kiến thức yếu. Một câu hỏi có 4 đáp án, các đáp án có độ nhiễu cao hay nói cách khác là thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung hoặc đảo vị trí các cụm từ trong câu hỏi. Muốn làm đúng dạng này các em thay vì đi tìm đáp án đúng thì hãy đi tìm đáp án sai, tìm được càng nhiều càng tốt và khi loại hết được các đáp án sai thì còn lại sẽ là đáp án đúng. Trong trường hợp, không còn đủ cơ sở để loại trừ nữa thì hãy phỏng đoán xem đáp án nào mình cảm thấy đúng nhất thì tô. Đấy là cách cuối cùng dành cho các em khi không thể loại trừ tiếp được.
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, trước hết cần để môn Lịch sử có một vị thế xứng đáng trong chương trình giáo dục phổ thông.
Cần kết hợp dạy học trên lớp với dạy học trên thực địa, tổ chức cho học sinh đi tham quan, học tập thực tế trên hiện trường lịch sử, bảo tàng, di tích... gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Giáo viên có thể làm mềm kiến thức bằng việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, làm các video ngắn, hay, dễ hiểu và có sự mới mẻ về nội dung. Các kênh và mạng xã hội cũng có thể trở thành trường học cho học sinh. Học sinh yêu môn Lịch sử hay không phụ thuộc lớn nhất vào chính giáo viên, do vậy, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng và phương pháp, biết làm mới chính mình là điều cực kỳ quan trọng với giáo viên.