Chị Mỹ Thiên, thành viên Ban tổ chức cho biết: "Cuộc thi hát tiếng Hoa này chúng tôi lên ý tưởng cũng lâu rồi. Lần đầu tổ chức nên cũng chỉ làm kiểu gọn nhẹ là chính".
Tuy bảo "cây nhà lá vườn", nhưng cũng có thứ tự lớp lang đàng hoàng. Tối 16/5 đã diễn ra đêm thi bán kết với tổng cộng 33 thí sinh tham dự. Ngoài ra còn có 4 vị giám khảo. Điều đặc biệt là 4 vị giám khảo đều có chuyên môn về thanh nhạc.
Bác La Cường (quận 11) cho biết: "Riêng với dàn giám khảo có chuyên môn, đã ăn đứt nhiều cuộc thi ca hát khác".
Những tưởng cuộc thi hát tiếng Hoa chỉ có người Hoa mới tham dự. Nhưng thực tế, vào đến vòng bán kết, có đến 5 thí sinh là người Việt.
Bà Đoàn Thị Điểu, bà ngoại của thí sinh Nguyễn Tường Vi cho biết: "Cháu tôi đang học thanh nhạc tại Đại học Nguyễn Tất Thành. Nó mê hát tiếng Hoa lắm. Ngày hôm nay cháu nó đi thi, tôi cùng cả nhà từ Cần Giuộc (Long An) lên đây cổ vũ cho cháu nó".
Tại điểm tranh tài, trước khi vào thi, thí sinh được chia thành hai khu vực riêng biệt. Khu thứ nhất dành cho ban giám khảo và khán giả với sân khấu chính. Khu thứ hai dành cho các thí sinh ngồi đợi đến lượt vào thi.
Vào phòng chờ, nhiều thí sinh không khỏi có vẻ mặt hoang mang, lo lắng. Dù máy lạnh mở 17 độ, mồ hôi vẫn chảy ròng ròng. Nhưng trên hết vẫn là niềm vui, niềm phấn khởi khi được cùng thi tài qua giọng hát bằng tiếng mẹ đẻ.
Bên ngoài hành lang, không thiếu những thi sinh đi đi lại lại, miệng lẩm nhẩm lại phần dự thi của bản thân.
Chị Mỹ Thiên cho biết: "Tại Việt Nam, có 5 bang hội người Hoa là chủ yếu: người Quảng Đông, người Phúc Kiến, người Triều Châu, người Hẹ, người Hải Nam. Tuy nhiên, do đặc thù, nên phần lớn các thí sinh, dù người Phúc Kiến hay Triều Châu... vẫn lựa chọn thể hiện tiếng hát bằng tiếng Quảng Đông hoặc tiếng phổ thông. Cá biệt, chỉ có một thành viên duy nhất thể hiện bài hát bằng tiếng Phúc Kiến".
Người Hoa hát bằng tiếng Hoa, thường thôi. Người Việt hát tiếng Hoa, cũng chẳng có gì lạ. Có thí sinh Quốc Tuấn (Đồng Nai) mới thuộc dạng hàng độc: đặt lời Hoa cho bài nhạc Việt để dự thi.
Anh Tuấn chia sẻ: "Để hoàn thành công việc đặt lời Hoa cho nhạc Việt, tôi cần đến sự trợ giúp của nhiều người. Trong đó phải nhờ cả một ông bạn ở Đài Loan để soạn lời sao cho gần với ý nghĩa của lời Việt, kèm theo đó là phải khớp với nhạc".
"Nếu được vào vòng chung kết, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục thể hiện một ca khúc nhạc Việt lời Hoa", anh Tuấn hào hứng. Trước thông tin này, ban giám khảo cũng đề nghị: "Bữa nào anh đi thi hát cải lương đi. Được thì đặt luôn lời Hoa cho bài cải lương. Biết đâu lại chẳng độc lạ, có cơ may chiếm giải cao".
IMG_4637
Nhiều thí sinh còn đầu tư rất bài bản. Ngoài ca hát, còn thêm đầu tư rất chỉn chu cả về trang phục, trang điểm. Thêm vào đó còn có cả những phần thể hiện về vũ đạo khá là mượt. Có thí sinh còn tặng thêm cả một màn ảo thuật nho nhỏ, biến tờ giấy thành một cánh hoa để tự thưởng cho bản thân.
Nói về nhạc Hoa, nhiều người thường nghĩ đến những bài quen thuộc. Chẳng hạn như Hà nhật quân tái lai, Người đến từ Triều Châu... Nhưng qua cuộc thi, các bài hát được thể hiện hết sức đa dạng và phong phú.
Có những bài thuộc hàng kinh điển đã từng được Đặng Lệ Quân, Trương Học Hữu... thể hiện. Hoặc những bài nhạc phim như Thiên Long Bát Bộ, Thần Điêu Đại Hiệp... hết sức quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Thực tế, những bài hát được lựa chọn thể hiện lại đa số là những bài nhạc trẻ Hoa ngữ. Qua đó, thể hiện tính gắn kết của người Hoa tại Việt Nam với những cộng đồng người Hoa ở trên khắp thế giới.
Bên cạnh thành phần người Hoa, cũng có không ít người Việt đến xem. Anh Đức Thịnh (quận 11) cho biết: "Nói thật, em nghe cũng không hiểu gì hết. Chỉ phân biệt được bài nào hát bằng tiếng phổ thông, bài nào hát bằng tiếng Quảng Đông thôi. Tiếng phổ thông sẽ hát là "quợ ái nị, còn tiếng Quảng Đông hát "ngộ ái nị". Miễn sao thấy hay là được, vì âm nhạc vượt lên mọi ngôn ngữ mà".
Kết thúc vòng thi bán kết, Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tìm ra 14 thí sinh có số điểm cao nhất để bước vào vòng chung kết. Thời gian diễn ra vòng chung kết dự kiến là 15/6.