Chuyển động Nhà nông 17/5
Là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải sớm còn gọi là vải “u hồng” sang thị trường Nhật Bản, thời điểm này, trên các triền đồi tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, các vườn vải trĩu chịt quả hứa hẹn vụ vải năng suất và chất lượng. Theo phản ánh của các hộ trồng vải, giá vải xuất khẩu năm nay được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá 35.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái. Ngay từ đầu vụ, các nhà vườn và hợp tác xã trồng vải ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên thường xuyên được cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang xuống tận nơi hướng dẫn ghi chép sổ sách và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Năm nay, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch sản xuất 28.300 ha vải thiều với sản lượng khoảng 160.000 tấn. Niên vụ vải năm ngoái ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về số lượng vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU). Dự báo, vụ vải năm nay, sản lượng vải thiều xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục gia tăng khi từ đầu năm đến nay, thông qua các đại sứ quán và tham tán thương mại, Bắc Giang liên tục đón các đoàn doanh nghiệp của Mỹ, Bỉ, Hà Lan đến khảo sát, đánh giá thực tế trước khi ký hợp đồng thu mua.
Ngay từ đầu năm, xuất khẩu gạo phục hồi mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng sau khi các nền kinh tế mở cửa. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine càng thúc đẩy nhu cầu dự trữ gạo, giá gạo cũng ổn định hơn. Điều này thể hiện trong kết quả xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm với 2 triệu tấn, tương đương 1 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, số liệu của Tổng cục Hải quan. Giá gạo xuất khẩu trung bình ở mức 488 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, VFA dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Và quý II/2022 cũng là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tôm sú là sản phẩm cao cấp được ưa chuộng ở các thị trường ngách của EU như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp. Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm sú của Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng đột phá 107% với kim ngạch 24 triệu USD. Từ giữa năm 2021, thị trường dần dần mở cửa trở lại sau đại dịch, nên nhu cầu tiêu thụ tôm sú tại thị trường EU phục hồi trở lại. Nhờ đó, xuất khẩu tôm sú sang EU năm 2021 đạt 98,5 triệu USD, tăng 36% so với năm 2020. Hiện, các nhà cung cấp tôm sú cho thị trường EU gồm Bangladesh, Việt Nam, Madagascar, Indonesia, Ấn Độ và Myanmar. Tuy nhiên, VASEP cho rằng tôm sú Việt Nam trên thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ nhờ các ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuỗi hành trình sản phẩm và chứng nhận của bên thứ ba.
Một số nguồn tin cho biết trong số lượng hàng cá tra nguyên liệu còn lại, loại cá có kích cỡ lớn, không phù hợp để làm phi lê xuất khẩu sang Mỹ và Eu chiếm tỷ trọng không hề nhỏ. Dự kiến, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể kéo dài đến tháng 8,9. Đối với trường hợp của cá tra, việc thiếu hụt nguồn cung là do nhiều hộ nông dân tỏ ra quan ngại việc thả giống trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng hồi quý III/2021. Đối với trường hợp của cá tra, việc thiếu hụt nguồn cung là do nhiều hộ nông dân tỏ ra quan ngại việc thả giống trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng hồi quý III/2021. Giá cá tra nguyên liệu đang ổn định ở mức cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là một trong những ví dụ về việc lạm phát toàn cầu đang ngày một leo thang.