Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, niên vụ sắn 2021-2022, toản tỉnh đã trồng gần 29.710ha sắn.
Đến nay, Phú Yên đã thu hoạch 24.049ha; ước năng suất bình quân khoảng 16,6 tấn/ha. Trong khi đó, kế hoạch ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đề ra năng suất sắn đạt 22 tấn/ha.
Niên vụ sắn 2022-2023, toàn tỉnh Phú Yên đã trồng 13.132 ha. Hiện cây sắn đang ở giai đoạn phát triển thân lá. Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn vẫn đang gây hại hơn 5.500ha.
Gia Lai là tỉnh có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất trong cả nước, với hơn 81.000ha.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn ở Gia Lai gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bệnh khảm lá sắn và biến đổi khí hậu.
Nông dân ở huyện Krông Pa đang bước vào thu hoạch sắn vụ. Do nắng hạn cộng với dịch bệnh khiến năng suất sắn giảm sâu.
Ông Đinh Công Thức, nông dân trồng sắn ở huyện Krông Pa cho biết, vụ này, 1,5ha mì của ông chỉ thu được 12 tấn. Năng suất sắn năm nay giảm hơn 50% so với vụ trước
Với giá bán sắn 2.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông không có đủ tiền để đầu tư cho vụ sắn mới.
Không chỉ làm giảm thu nhập của nông dân, năng suất củ sắn giảm còn ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh.
Bà Bùi Thị Quy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến Nông lâm sản Đường Vạn Phát cho biết, khoảng 70% diện tích mì trên địa bàn huyện Krông Pa bị giảm năng suất. Chữ bột cũng giảm, chỉ đạt 24-25%.
Đầu vụ, nhà máy Đường Vạn Phát thu mua củ sắn với giá 3.100-3.200 đồng/kg (chữ bột 30%). Hiện nay, giá sắn giảm xuống còn 2.500-2.800 đồng/kg.
Bình thường, công suất của nhà máy Đường Vạn Phát 250-300 tấn tinh bột sắn/ngày. Do sản lượng sắn nguyên liệu giảm nên công suất hiện tại chỉ còn 50-150 tấn/ngày.
Theo bà Quy, có khoảng hơn 50% các nhà máy tinh bột sắn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang nghỉ bảo dưỡng. Nguyên nhân do lượng sắn nguyên liệu đưa về không đủ hoạt động.
"Vụ sắn năm nay, công ty chỉ sản xuất cầm chừng và sẽ kết thúc vụ sớm so với mọi năm", bà Quy cho biết.
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn thứ 2 cả nước, sau Gia Lai nhưng năng suất đứng nhất cả nước.
Năm 2021- 2022 diện tích trồng sắn hàng năm của Tây Ninh đạt khoảng 59.000- 60.000ha; năng suất trung bình khoảng 33 tấn/ha.
Khó khăn trong phát triển cây sắn ở Tây Ninh Bệnh khảm lá sắn còn phát sinh trên diện rộng, chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng đến năng suất. Nhiều doanh nghiệp vẫn nhập sắn thô từ Campuchia về để chế biến.
Hiện Tây Ninh có 68 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất mỗi năm đạt khoảng 6,4 triệu tấn củ. Thế nhưng sản lượng củ tươi toàn tỉnh chỉ hơn 1,9 triệu tấn/năm; chỉ đáp ứng 1/3 công suất các nhà máy.
Bà Nguyễn Thị Khuê – Giám đốc Công ty TNHHH MTV Định Khuê ở huyện Tân Châu cho biết, việc thiếu nguyên liệu luôn là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp trong ngành chế biến tinh bột sắn.
Để có nguyên liệu, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nguyên liệu với giá cao hơn thị trường hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các tỉnh khác và từ Campuchia về chế biến.
Hiện nay, nhiều khu vực tại Campuchia cũng xuất hiện dịch khảm lá sắn. Dịch Covid-19 cũng khiến lượng sắn từ Campuchia nhập về Việt Nam bị hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy.
Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cũng cho biết, bệnh khảm lá sắn hoành hành trong vòng 4 năm qua, gây ra sự sụt giảm đáng kể về sản lượng sắn.
Mới đây, ông Veng Sakhon - Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia nói với tờ PhnomPenh Post, khảm lá sắn làm giảm năng suất đến khoảng 80% nếu cây sắn không có khả năng kháng bệnh.
Sắn là một trong những cây công nghiệp hàng đầu của Campuchia. Mỗi năm, Campuchia xuất khẩu hơn 3 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn sang các thị trường Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc...
Ông Veng Sakhon cho biết, ngành nông nghiệp nước này đang nỗ lực tìm kiếm quỹ hỗ trợ để nghiên cứu phòng trừ bệnh khảm lá sắn, nhằm hạn chế thiệt hại nghiêm trọng hơn cho sản lượng sắn.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.
Với ngành chế biến tinh bột sắn, các doanh nghiệp phải khai thác nguyên liệu từ các tỉnh lân cận. Việt này làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến tái đầu tư.
Tỉnh Tây Ninh hiện đã xây dựng kế hoạch nhằm tạo nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định, chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến.
Giai đoạn 2021-2030, sắn vẫn là sản phẩm chính nhưng sẽ duy trì ổn định diện tích khoảng 62.000ha đến năm 2030.
Đồng thời tăng năng suất bình quân từ mức 32,5 tấn/ha (năm 2020) lên 36 tấn/ha (năm 2030);
Tổng sản lượng sắn nguyên liệu đạt 2,2 triệu tấn; đáp ứng 122% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho chế biến so với năm 2020.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn; và khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp.
Tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến tinh bột sắn khoảng 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tuy nhiên, tổng công suất hoạt động thực tế chỉ 8,62 triệu tấn/năm.