Tất nhiên, U23 Việt Nam và U23 Thái Lan thể hiện trình độ nhỉnh hơn và 2 đội này và vào chung kết là công bằng.
Trận bán kết gặp U23 Malaysia của U23 Việt Nam không phải là 1 trận có chất lượng chuyên môn cao. Dù HLV Maloney của U23 Malaysia tuyên bố muốn giải quyết trận đấu trong 90 phút, nhưng vào trận, U23 Malaysia tỏ rõ chủ trương tập trung vào phòng thủ, luôn có rất đông các cầu thủ ở khu vực trước vòng 16m50.
Các cầu thủ U23 Việt Nam gần như không phối hợp tấn công trung lộ được. U23 Malaysia cũng bảo vệ 2 cánh rất quyết liệt, các cầu thủ U23 Việt Nam rất ít khi đưa bóng được xuống sát biên ngang để thực hiện các miếng đánh vốn rất nhuần nhuyễn và nguy hiểm từ biên như căng ngang hay trả bóng ngược lên cho tuyến 2 dứt điểm. Đó là lý do số quả phạt góc của U23 Việt Nam được hưởng rất ít, chỉ bằng 1/2 số quả phạt góc của U23 Malaysia.
Các cầu thủ U23 Malaysia tuy phòng ngự quyết liệt nhưng cũng rất tinh quái. Họ tránh phạm lỗi ở gần khu vực 16m50. Trong cả trận, hầu như U23 Việt Nam không có quả phạt trực tiếp nào đáng được gọi là nguy hiểm.
Có thể nói, U23 Malaysia đã phòng ngự thành công, hạn chế được các tình huống cố định nguy hiểm, từ phạt trực tiếp đến phạt góc, không cho các cầu thủ U23 Việt Nam dễ dàng triển khai các pha phối hợp.
Dường như, U23 Malaysia muốn đưa trận đấu vào hiệp phụ để tận dụng thế mạnh thể lực, một yếu tố vốn được coi là điểm mạnh của U23 Malaysia so với U23 Việt Nam. Nhưng trận đấu hôm qua đã cho thấy, thể lực của các cầu thủ U23 Việt Nam là rất tốt. Số lượt nằm sân vì chuột rút của U23 Malaysia nhiều hơn hẳn các cầu thủ U23 Việt Nam.
Với 1 thế trận như vậy , bàn thắng của Tiến Linh trong hiệp phụ đã định đoạt trận đấu. U23 Malaysia không đủ thể lực thể bùng lên để gây áp lực nhằm gỡ hòa được nữa. Trong cả trận, không tính bàn thắng bằng đầu, Tiến Linh có 3 cơ hội khá rõ ràng để dứt điểm bằng chân. Ở đầu hiệp 1 là 1 pha thoát xuống đá lòng chân phải ra ngoài cầu môn, sau đó là pha dứt điểm chính xác nhưng quá nhẹ và hiền, thủ môn đội bạn đẩy ra được. Cuối cùng là pha tâng bóng qua đầu thủ môn nhưng lại quá nhẹ.
Không chỉ trong trận này, mà rõ ràng, Tiến Linh không phải là mẫu tiền đạo có các pha xử lý bóng tinh tế. Anh thiên về sức mạnh và tốc độ, băng cắt, chọn vị trí, chớp cơ hội. Anh giỏi việc chiếm không gian đánh đầu hơn là việc thực hiện các đường bóng lắt léo, tinh tế. Điểm mạnh, điểm yếu này của Tiến Linh không khó khăn gì để nhận ra, đặc biệt là với các HLV.
Hẳn phải có lý do để HLV Park Hang-seo chọn anh. Có thể điều này phù hợp với lối tấn công của đội bóng, hoặc đơn giản hơn, có thể ông thấy được khát khao ghi bàn, khát khao chiến thắng mạnh mẽ từ anh. Có thể ông trông chờ ở anh sự bùng nổ vào những thời điểm quyết định. Và cho tới giờ, lựa chọn đó đang đúng.
Rõ ràng, trong khi trận đấu chỉ có 1 bàn thắng ở hiệp phụ, với một đội phòng thủ triệt để và 1 đội không tạo ra nhiều các pha phối hợp nguy hiểm, đẹp mắt để uy hiếp khung thành đối phương, yếu tố chuyên môn của trận đấu sẽ là điểm trừ, trận đấu này lại mang đến rất nhiều cảm xúc cho người hâm mộ Việt Nam. Từ sự sự căng thẳng, hồi hộp đến vỡ òa vui sướng, đến những động tác vung tay kêu gọi sự cổ vũ từ khán giả của các cầu thủ. Đặc biệt là camera đã cho chúng ta chứng kiến biểu cảm của đội trưởng Hùng Dũng, sau pha chấn thương nặng của Văn Xuân.
Chúng ta phần nào hiểu và đồng cảm với cảm xúc của anh lúc đó. Chúng ta cũng được chứng kiến màn tương tác sau trận đấu của các cầu thủ Việt Nam với khán giả. Các cầu thủ xếp hàng ở trên sân cầm nhịp vỗ tay cùng khán giả trên khán đài. Nó như lời cảm ơn của các cầu thủ với sự cổ vũ của người hâm mộ, nó cũng như lời cảm ơn của người hâm mộ dành cho sự lăn xả thi đấu của các cầu thủ đội bóng, những nỗ lực không biết mệt mỏi để mang lại niềm vui chiến thắng cho người hâm mộ.
Trước mắt đội Việt Nam là vật cản cuối cùng trên chặng đường bảo vệ tấm HCV: U23 Thái Lan. Chúc các học trò của HLV Park Hang-seo thành công.