"Hiện nay ở Việt Nam, blockchain nổi lên về câu chuyện tài chính. Bản thân tôi cũng từng nghĩ rằng blockchain là tiền số. Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ, tôi nhận thấy blockchain là một nguyên lý mới hoàn toàn để thu thập, lưu trữ, vận hành, mang lại tính an toàn, công khai và minh bạch.
Do đó, chúng ta cần tránh nhầm lẫn blockchain chỉ là tiền điện tử. Blockchain có thể trở thành nền tảng của rất nhiều nền tảng. Ở đó, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc", ông Phạm Thế Trường, nguyên Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm CEO Kardia Chain, hầu hết các ứng dụng của blockchain hiện nằm ở các lĩnh vực như GameFi, DeFi, tài chính. Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cũng bắt đầu tích hợp công nghệ blockchain vào nền tảng của họ. Ngoài ra, trong các lĩnh vực như giải trí, thể thao, nhiều người nổi tiếng cũng đã phát hành những bộ sưu tập NFT riêng.
"Về cơ bản, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng blockchain vào các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có các doanh nghiệp lớn, có khả năng tài chính mới có thể áp dụng công nghệ blockchain. Với các doanh nghiệp nhỏ, những rủi ro về tài chính vẫn còn khá lớn.
Trong một vài năm tới, chúng ta sẽ không còn bàn về việc liệu rằng blockchain có thể ứng dụng ở các ngành khác không, mà sẽ là bao giờ nó trở nên phổ cập", ông Huy nói.
Dù vậy, theo nhận định từ các chuyên gia, quá trình ứng dụng công nghệ blockchain vào các ngành nghề không phải việc đơn giản.
"Một trong những vấn đề của doanh nghiệp lớn khi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain là đánh giá đúng mức độ phức tạp và đơn giản cần thiết của giải pháp blockchain cho việc vận hành doanh nghiệp", ông Cris Duy Trần, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp Quốc gia, kiêm Giám đốc Chiến lược M3TA Inc, nhận định.
Ông Cris cho biết khi đánh giá không đúng về mức độ phức tạp, chúng ta sẽ không có sự nghiên cứu và đầu tư về mặt cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Ngược lại, nếu nghĩ nó quá phức tạp thì cũng không đúng với những giá trị mà nó đem lại, bởi trong nhiều trường hợp blockchain chỉ hiệu quả ở một số giai đoạn và chúng ta không cần sử dụng blockchain cho toàn bộ quy trình.
Trước đây, các ứng dụng blockchain tập trung chủ yếu ở mảng tài chính. Tuy nhiên, một thống kê của CB Insights cho biết đến năm 2021, mảng tài chính chỉ chiếm 40%, còn lại là các công ty về KYC, nông nghiệp, giải trí. Việc các dự án xuất hiện ngày càng nhiều cũng kéo theo thách thức lớn về thiếu hụt nhân sự.
Bên cạnh đó, một rào cản lớn khiến cho blockchain chưa thể trở nên phổ biến ở Việt Nam nằm ở tính pháp lý. Thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực blockchain buộc phải đăng ký tại nước ngoài.
"Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các công nghệ đặc biệt như blockchain, AI, Machine Learning đã phát triển rất nhanh và mạnh. Các kỹ sư, nhân sự và toàn ngành phát triển nhanh hơn hành lang pháp lý tại các quốc gia. Blockchain rất cần một sự hướng dẫn, hành lang pháp lý. Tuy nhiên, trên thế giới hiện chỉ có khoảng 50 quốc gia có hành lang pháp lý cho vấn đề này", ông Trường nói.
Cũng theo nhận định từ các chuyên gia, Việt Nam đang đứng ngang với thế giới về blockchain. Thậm chí, nếu có thể xây dựng được các ứng dụng về blockchain, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác trong lĩnh vực này.
"Tất cả các nước đều có cùng xuất phát điểm. Vì thế, Việt Nam có cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng, sánh vai cùng các quốc gia khác, nếu chúng ta có chiến lược, quy trình đào tạo và hành lang pháp lý.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tận dụng nguồn lực từ nước ngoài, giúp gia tăng nhu cầu trên thị trường, thu hút đầu tư vào doanh nghiệp", ông Huy chia sẻ.