Thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay (23/5) với đà tăng nhẹ. Mặc dù sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường với số mã tăng điểm gần gấp đôi số mã giảm, nhưng biên độ tăng của các mã không quá lớn. Trong khi đó, nhóm bluechip có diễn biến phân hóa mạnh với số mã tăng giảm khá cân bằng, nên chỉ số VN-Index khó tiến xa.
Đặc biệt, với lực cầu khá yếu, thị trường nhanh chóng giật lùi. Chỉ sau khoảng hơn 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index dần hạ độ cao và bắt đầu trở lại trạng thái giằng co và điều chỉnh nhẹ.
Đến khoảng 10h, áp lực bán bắt đầu có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường có phần tiêu cực hơn. Chỉ số VN-Index dần rời xa ngưỡng 1.240 điểm khi nhóm VN30 gia tăng sức ép lên thị trường, với các mã như MSN giảm gần 3%, VIC, SSI, NVL... đang giảm hơn 1%...
Diễn biến không mấy tích cực của nhóm bluechip đã lan rộng ra thị trường khiến sắc đỏ đang dần lan rộng hơn trên bảng điện tử.
Tính đến 11h, VN-Index quay đầu giảm hơn 7 điểm. Thời điểm này, VIC là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN30 khi lấy đi hơn 1,2 điểm, kế sau là VPB khi cũng lấy đi nốt hơn 0,8 điểm. Ngược lại, các mã tăng đóng góp có phần yếu thế hơn như FPT hay HPG cũng chỉ giúp kéo gần 0,5 và 0,4 điểm cho chỉ số.
Nhóm ngành chứng khoán chịu áp lực bán khi hầu hết các mã đều hiện sắc đỏ. SSI, VIX, HCM và APS giảm nhẹ dưới 1%, VCI, SHS và VND giảm trên 1%...
Ngược lại, diễn biến của nhóm ngành thủy sản đang tích cực hơn. VHC và CMX tăng gần 5%, IDI và ASM tăng trên 6%, ANV tăng trên 5%.
Tạm dừng phiên sáng, các chỉ số chính của thị trường tiếp tục đà suy yếu trước áp lực bán gia tăng. VN-Index hiện giảm 10,77 điểm, về mức 1.229,94 điểm; HNX-Index giảm 0,89 điểm, về mức 306,13 điểm.
Sắc đỏ cũng đang áp đảo tại rổ VN30 với 24 mã giảm và 6 mã tăng. Trong đó, STB giảm hơn 4%, SSI giảm 3,9%, BID giảm 2,6%... Ngược lại, các mã FPT, TPB, GAS, POW cũng đang thu hẹp sắc xanh.
Toàn thị trường hiện có 276 mã tăng giá (16 mã tăng trần), 920 mã đứng giá, 406 mã giảm giá (7 mã giảm sàn). Thanh khoản thị trường đạt 7.526,92 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE chỉ đạt 6.241,8 tỷ đồng, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang rất lớn.
Nhận định về thị trường phiên đầu tuần trong bối cảnh một loạt lãnh đạo sàn HoSE, UBCK Nhà nước bị kỷ luật, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, thị trường chứng khoán hiện đang vận động theo hướng đi riêng của nó. Việc bắt người này hay kỷ luật người kia chỉ là thông tin mang tính chất tâm lý ngắn hạn.
"Tuần qua khi thông tin liên quan đến các vụ việc lãnh đạo HoSE, UBCK Nhà nước, thị trường không có phản ứng. Hay nói cách khách là thị trường vẫn phản ứng bình thường, có tăng có giảm và không cho thấy có sự bán tháo hay hoảng loạn. Cho nên, bây giờ dù có thông tin về việc xử lý trách nhiệm những cá nhân này thì nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị nên thị trường sẽ khó có phản ứng mạnh thêm nữa" - ông Phương chia sẻ.
"Việc NYSE đồng ý giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một bước đi rất thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng tầm, mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư..."
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam
Trong khi đó, một thông tin rất tốt với thị trường hiện nay, theo ông Phương, là thông tin Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cùng UBCK Nhà nước xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Thông tin này sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều niềm tin vào thị trường, không những với các nhà đầu tư trong nước mà với cả những nhà đầu tư nước ngoài. Dĩ nhiên, vấn đề này sẽ còn lâu dài, không diễn ra một sớm một chiều nhưng việc NYSE - một thị trường lớn nhất, uy tín nhất, hiện đại và chuyên nghiệp nhất trên thế giới - đồng ý hợp tác, cộng tác với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này sẽ giúp nâng tầm vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Phương khẳng định.
Theo Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, việc NYSE đồng ý giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một bước đi rất thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng tầm, mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư, "khơi dòng" cho dòng tiền nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Phải biết rằng các quỹ đầu tư lớn thường phân theo quy mô của quỹ, có quỹ chuyên đầu tư ở thị trường chứng khoán mới nổi, có quỹ đầu tư ở thị trường chứng khoán cận biên… Cho nên khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thì các quỹ chuyên đầu tư ở các thị trường cao cấp hơn, với dòng vốn lớn hơn sẽ đổ vào thị trường.
Do vậy, sắp tới sẽ có các dòng vốn lớn đón đầu cho sự nâng hạng của thị trường chứng khoán sẽ đến Việt Nam", ông Phương chia sẻ thêm.