Theo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện một số trường ĐHc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực theo hình thức một bài thi đánh giá năng lực chung.
Tuy nhiên, đối với một số ngành học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng như một số trường đại học khác, thí sinh dự thi cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Ví dụ, thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Toán học thì cần được đánh giá năng lực Toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc Đại học. Tương tự, các ngành khác như Hóa học, Vật lý học, Sinh học, Ngoại ngữ... cũng vậy.
Để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, đồng thời hướng đến việc tuyển chọn những thí sinh có năng lực chuyên biệt phù hợp với yêu cầu đầu vào của các ngành học mang tính đặc thù, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho các thí sinh thông qua 6 bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn và Tiếng Anh.
Theo lãnh đạo nhà trường, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên Đề án tuyển sinh của trường.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 1 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ diễn ra vào ngày 1/6-3/6 tới đây tại TP.HCM.
Về cấu trúc, các bài thi đánh giá năng lực môn Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học sẽ gồm 50 câu hỏi. Trong đó, 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (có một đáp án đúng duy nhất) và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống.
Thời gian làm bài là 90 phút, bài thi được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi.
Đối với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn, bài thi sẽ gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (có một đáp án đúng duy nhất) và một bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội (đề mở) với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ. Thời gian làm bài là 90 phút, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống.
Phần thi trắc nghiệm khách quan môn Ngữ Văn sẽ được máy tính chấm tự động. Phần viết luận sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.
Về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh, đề thi sẽ sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trong đó, bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thời gian làm bài là 180 phút. Phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động. Các phần thi nói và viết sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%. Còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Riêng đối với bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi rất đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được quy điểm về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0.1 điểm.
Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM buộc phải hủy. Năm nay, ngoài điểm thi tại TP.HCM, trường còn tổ chức ở một số tỉnh lân cận như: Long An, Bình Dương, Tây Ninh…
Ngoài ra, kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm để giúp các thí sinh có nhiều cơ hội để dự thi và xét tuyển theo ngành học mà mình yêu thích và có thế mạnh.
Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo Đề án tuyển sinh của trường theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Cụ thể, thí sinh dự kiến xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó. Ví dụ: Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán học thì sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực Toán học. Điểm bài thi này sẽ được nhân đôi khi xét tuyển.
Ngoài ra, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Theo đó, các học sinh lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó.