Dân Việt

Nhận lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, nhiều bác sĩ ở trạm y tế nghỉ việc, người dân thiệt thòi

Nha Mẫn 27/05/2022 19:00 GMT+7
Hiện nay có nhiều trạm y tế ở nhiều địa phương như huyện Thống Nhất, TP Long Khánh… không thu hút được bác sĩ về công tác, nguyên nhân là do lương thấp, công việc áp lực.

Khó khăn trong giữ chân, tuyển dụng nhân viên y tế tuyến cơ sở như trạm y tế

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân Việt, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, nhiều trạm y tế và trung tâm y tế tại một số địa phương ở tỉnh Đồng Nai rơi vào cảnh thiếu bác sĩ "cơ hữu" (là bác sĩ đăng ký làm việc liên tục 8 giờ/ngày).

Điều này khiến cho người dân địa phương thiệt thòi nếu bất ngờ xảy ra sự cố thì không có lực lượng hỗ trợ để sơ, cấp cứu ban đầu.

“Chất xám” ngại chảy về trạm y tế vì lương thấp, đãi ngộ kém - Ảnh 1.

Hiện nay, các trạm y tế không có bác sĩ sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, không thăm khám điều trị bệnh. Ảnh: Tuệ Mẫn

Các địa phương bị thiếu bác sĩ ở trạm y tế nhiều gồm huyện Thống Nhất, TP Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu… Những địa phương này đang thường xuyên ra sức tuyển dụng nhân lực nhưng vẫn chưa tìm được người muốn bám trụ với y tế tuyến cơ sở.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế (người phụ trách Sở Y tế Đồng Nai) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, y tế tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực.

Nguyên nhân là do nhân lực tại y tế cơ sở nhiều người về hưu, nhiều người xin nghỉ việc do lương thấp, đãi ngộ kém.

"Ở trạm y tế, bác sĩ, điều dưỡng chỉ nhận lương theo ngạch, bậc và không có bất kỳ khoản đãi ngộ nào khác vì ở đây chỉ khám chữa bệnh, tiêm chủng theo quy định chứ không làm dịch vụ nên không có nguồn thu để hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế. Vì vậy nhiều người gặp áp lực về tinh thần lẫn vật chất nên xin nghỉ việc chuyển đến phòng khám, bệnh viện tư hoặc đi làm công việc khác để ổn định cuộc sống", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, hiện nay không chỉ trạm y tế mà cả các trung tâm y tế cũng không có bác sĩ, điều dưỡng. Nhiều đơn vị thường xuyên tuyển dụng tuy nhiên kết quả cũng không khả quan. Một số nơi do cơ sở vật chất tốt, tuyển dụng được thì không thể giữ chân bác sĩ, điều dưỡng lâu dài; số khác do cơ sở vật chất xuống cấp kèm theo lương thấp nên không có người ứng tuyển.

Người dân thiệt thòi vì trạm y tế "khuyết" bác sĩ

Từ những thực tế đó, phóng viên có tìm đến một số trạm y tế, được biết cả những nhân viên y tế và người dân đều thiệt thòi, chịu nhiều áp lực vì thiếu bác sĩ, điều dưỡng công tác tại trạm.

Ghi nhận tại Trạm y tế xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, đây là một trạm có cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng vì xây dựng đã hơn 20 năm. Trên thực tế, trạm có 8 biên chế phục vụ hơn 17.000 người dân. Trước đại dịch Covid-19 mỗi ngày, trạm tiếp nhận điều trị, thăm khám cho khoảng 10 bệnh nhân. Ngoài ra, trạm còn có nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm ngừa, phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên từ giữa năm 2021 đến nay, bác sĩ duy nhất của trạm đã xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe khiến cho trạm phải dừng hoạt động khám chữa bệnh, chỉ tập trung cho công tác y tế dự phòng. Cũng từ đó, người dân địa phương, nhất là người già, hưu trí... khi cần thăm khám những bệnh đơn giản thì không thể ra trạm như trước mà phải đến bệnh viện, phòng khám...

Bà Nguyễn Thị An, người dân xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho biết, bà con địa phương mong muốn trạm y tế được nâng cấp, sửa chữa và có máy móc tốt hơn. Bên cạnh đó, bà cũng hy vọng sớm có bác sĩ về địa phương công tác để bà và mọi người thuận tiện trong việc khám chữa những bệnh đơn giản.

"Trước đây, khi bị đau bụng, đau đầu, ho sốt cảm nhẹ, người dân trong xã vẫn đến trạm y tế để bác sĩ khám, lấy thuốc về uống. Nhưng từ khi bác sĩ nghỉ việc, chúng tôi bị bất kỳ vấn đề gì cũng phải lên tuyến trên, vừa xa, vừa tốn kém", bà An chia sẻ.

“Chất xám” ngại chảy về trạm y tế vì lương thấp, đãi ngộ kém - Ảnh 2.

Nhiều trạm y tế xuống cấp, không có bác sĩ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Không chỉ người dân gặp khó mà các nhân viên y tế khác cũng đang mệt mỏi vì phải gồng gánh thêm việc nhưng vì yêu nghề nên chấp nhận chịu thiệt thòi.

Bà Phạm Thị Điệp, người phụ trách Trạm y tế xã Hưng Lộc cho biết, hiện nay, do cơ sở vật chất của trạm y tế đã xuống cấp, lương lại thấp nên gần nửa thập kỷ qua, trạm y tế không có thêm người mới nào ứng tuyển. Các nhân viên y tế tại trạm đa số đều là người thâm niên, gắn bó lâu với trạm nên chấp nhận ở lại hỗ trợ người dân.

Bà Điệp nói: "Ở đây tôi là người gắn bó với trạm y tế lâu nhất nhưng tổng thu nhập cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng. Nói thật nếu không yêu nghề, không quý mến bà con thì tôi khó gắn bó với công việc này bởi mức thu nhập này khó đủ để trang trải cuộc sống. Chúng tôi có tuyển dụng, nhờ các anh em bên UBND xã thông báo rộng việc tuyển dụng nhưng không khả thi vì các bạn trẻ hiện nay không mặn mà với trạm y tế".

Chung cảnh ngộ, tại TP Long Khánh có nhiều trạm y tế được xây dựng, sửa sang đẹp, sạch vẫn không đủ sức hút để kiếm được bác sĩ về đầu quân.

Trạm y tế xã Xuân Bình là một trong những trạm được đầu tư mới, đầy đủ các phòng chức năng nhưng đến nay đã nhiều lần thông báo tuyển dụng vẫn không có bác sĩ và điều dưỡng nào nộp hồ sơ ứng tuyển. Cũng do không có bác sĩ và điều dưỡng nên người dân hạn chế lui tới trạm, chọn cách lên tuyến trên để khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Xuân Bình cho biết trước đây, mỗi khi thành viên trong gia đình mắc bệnh, gia đình thường đưa tới khám tại trạm y tế để khám có khi nằm điều trị 1-2 ngày khoẻ mới về. Nhưng thời gian qua, trạm y tế không còn bác sĩ làm việc nên khi có người bị bệnh gia đình, ông Tư phải đưa thẳng ra bệnh viện Long Khánh dù triệu chứng nặng hay nhẹ.

“Tôi thấy như vậy là hơi bất tiện cho người dân vì có khi chỉ ho cảm nhẹ mà phải đi bệnh viện thì vừa tốn kém lại xa, mất thời gian. Tôi mong nhà nước có chính sách chiêu mộ các bác sĩ về với các xã để bà con được nhờ”, ông Tư hy vọng.

Lý giải về việc không muốn gắn bó lâu dài với trạm y tế, bác sĩ N.V.L. (ngụ TP Long Khánh) cho biết với mức lương hơn 4 triệu đồng anh không thể lo cho vợ con và trang trải cuộc sống. Vì vậy, anh quyết định xin nghỉ việc tại trạm y tế để xin việc tại một bệnh viện tư ở TP Biên Hòa với mức đãi ngộ cao hơn.

"Tôi cũng muốn ở lại hỗ trợ người dân nhưng vì miếng cơm manh áo nên không dám gắn bó lâu. Tôi còn gia đình, con mới hơn 2 tuổi nên đời sống phát sinh nhiều chi phí, do đó tôi rời nhà lên Biên Hòa xin việc tại bệnh viện tư để có thu nhập ổn định, trang trải đủ cho cuộc sống. Bản thân tôi nghĩ nếu muốn có bác sĩ về làm tại trạm thì cần có mức lương phù hợp, thêm các đãi ngộ để họ bớt lo gánh nặng, an tâm công tác", bác sĩ L. chia sẻ.

Khó tìm phương án lấp đầy nhân lực cho y tế tuyến cơ sở

Liên quan đến tình trạng thiếu nhân lực y tế, ông Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết tình trạng thiếu bác sĩ làm việc tại các trạm y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là những trạm y tế có cơ sở vật chất xuống cấp.

Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, đa số các trạm y tế không thu hút được bác sĩ về làm việc vì đãi ngộ kém, lương thấp.

"Có những trạm y tế may mắn tuyển được nhân lực nhưng do lương thấp, công việc nhiều áp lực nên một thời gian ngắn họ cũng rời đi. Việc thiếu bác sĩ ở trạm y tế cũng tạo áp lực, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên vì không được san sẻ bớt công việc", ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết thêm, trước dịch Covid-19, việc thiếu nhân viên y tế chưa quá nghiêm trọng vì các trung tâm y tế vẫn có thể hỗ trợ cho trạm y tế về nhân lực. Tuy nhiên sau dịch, do áp lực công việc tăng nên không chỉ nhân viên y tế tại các trạm nghỉ mà nhân viên y tế ở trung tâm y tế cũng nghỉ, khó san sẻ nhân lực cho nhau.

Trước thực trạng này, ngành y tế cũng đang cố gắng thông báo tuyển dụng, tìm các phương án đưa nhân lực về với các trạm y tế. Ngành y tế đang suy nghĩ đến hướng có thể luân chuyển các y bác sĩ về công tác tại trạm một thời gian ngắn để hỗ trợ địa phương.

Bên cạnh đó, ngành hướng đến việc sẽ tham mưu triển khai các đề án như trạm y tế chuyên về khám chữa bệnh và y tế dự phòng; trạm y tế chỉ chuyên công tác dự phòng. Vì trên thực tế, hiện việc thăm khám tại trạm y tế chỉ tập trung ở các trạm y tế vùng huyện, còn thành phố lớn như Biên Hòa chỉ đa số thực hiện công tác dự phòng.

“Chất xám” ngại chảy về trạm y tế vì lương thấp, đãi ngộ kém - Ảnh 4.

Hiện nay nhiều trạm y tế đa số chỉ thực hiện y tế dự phòng. Ảnh: Tuệ Mẫn

"Nhân lực ở trạm y tế phải đáp ứng được các điều kiện như giỏi chuyên môn, đa khoa, có nhiều kinh nghiệm mới có thể hỗ trợ được người dân địa phương. Tuy nhiên những người này lại không chấp nhận đầu quân về trạm y tế.

Riêng các bác sĩ, điều dưỡng trẻ thì thứ nhất họ không chịu về trạm y tế vì lương quá thấp, thứ 2 họ lại không đáp ứng được yêu cầu công việc quá lớn tại địa phương. Vì vậy, ngành y tế cũng đang cố gắng tìm kiếm phương án lấp đầy nhân lực tại trạm y tế", ông Trung nói thêm.

Liên quan đến việc quan tâm đặc biệt đối với nhân viên y tế, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo các địa phương phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, không chỉ cơ sở vật chất mà còn là nguồn nhân lực. Phải làm sao để cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho tuyến trên.