Vấn đề phải có sáng kiến kinh nghiệm là tiêu chí bắt buộc để giáo viên được xét công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở. Điều này gây nên nhiều ý kiến trái chiều và cũng tạo ra những hệ lụy không đáng có trong ngành giáo dục nói riêng.
Tại điều 21, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) công bố ngày 18.3.2021 nêu rõ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau: "1. Đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”. 2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận".
Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải có sáng kiến kinh nghiệm để công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở không?
Trước hết, sáng kiến kinh nghiệm là một bản báo cáo trong đó giáo viên viết lại những ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm của mình về công tác giảng dạy thành một báo cáo khoa học, đồng thời đưa ra các giải pháp, ứng dụng của sáng kiến đó vào thực tế dạy học. Như vậy rõ ràng sáng kiến kinh nghiệm rất cần thiết cho thầy cô trong việc dạy học, đổi mới phương pháp nâng cao tay nghề, nhưng gắn việc có sáng kiến kinh nghiệm với danh hiệu chiến sĩ thi đua cần phải xem lại.
Theo Nghị định số 91/2017 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua khen thưởng hiện nay và Dự thảo Luật thi đua khen thưởng của Bộ Nội vụ, giáo viên yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được công nhận đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Quy định này vô tình đẩy giáo viên chạy theo thành tích và cũng chính việc bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng không ít thầy cô “mượn, xin, sao chép, mua bán…” sáng kiến kinh nghiệm của nhau đã xảy ra. Hàng năm trên cả nước có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được công nhận nhưng sau đó sáng kiến kinh nghiệm đi đâu về đâu là một dấu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.
Theo tìm hiểu của cá nhân, sáng kiến, kinh nghiệm sau khi được hội đồng chuyện môn cấp huyện, tỉnh xét công nhận lại không được phổ biến triển khai áp dụng vào thực tế, mà tất cả được lưu hồ sơ cất kỹ trong tủ.
Trong sinh hoạt chuyên môn huyện, nhiều thầy cô đề xuất triển khai sáng kiến kinh nghiệm được công nhận để học tập nhưng lại rơi vào lãng quên. Phải chăng đây là một sự lãng phí rất lớn về thời gian, công sức, tiền của... của biết bao giáo viên tâm huyết tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong giảng dạy được đúc kết lại?
Theo tôi, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) không nên gắn “chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm”, sáng kiến kinh nghiệm để giáo viên tự nguyện viết và khi được xét duyệt nên đưa ra ứng dụng, phổ biến, triển khai thực hiện, ít nhất là ở cấp trường, phòng giáo dục như vậy sáng kiến kinh nghiệm mới có giá trị thực.
Khen thưởng giáo viên phải xứng đáng giáo viên đó làm được gì có giá trị, ích lợi cho cộng đồng thiết thực như cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020, đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới...
Nhiều giáo viên mong rằng ngành giáo dục sớm chấm dứt bệnh hình thức, thành tích, giảm áp lực cho giáo viên hiện đang phải chịu rất nhiều và một trong những áp lực đó là việc yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm để xét chiến sĩ thi đua cơ sở. Đây cũng chính là thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT hướng đến một nền giáo dục “thực tế, thực tiễn và thực chất”.
Chưa nói việc lâu nay dư luận, báo chí cũng nói nhiều về vấn nạn “mua - bán - sao - chép …” sáng kiến kinh nghiệm tràn lan và chất lượng thật của hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được công nhận.