Mặc dù nhu cầu chăm sóc sắc đẹp lên cao, nhưng nhận thức của khách hàng cũng đã có nhiều đổi thay. Khách hàng thà trả một mức phí cao hơn hẳn để nhận về chất lượng dịch vụ tương xứng đi kèm, còn hơn là sử dụng dịch vụ kém chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc, khách hàng đòi hỏi nhu cầu tay nghề của các kỹ thuật viên phải cao.
Chăm sóc sắc đẹp không giống với phẫu thuật thẩm mỹ, không cần những người làm phải đạt trình độ bác sĩ hay y tá, tuy nhiên, cần những người làm nghề có bàn tay vàng và cả tác phong cực chuyên nghiệp.
Nguyễn Tố Uyên - Quốc Oai, Hà Nội cho biết, cô từng theo học nghề chăm sóc da, Khoa Chăm sóc sắc đẹp tại trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ban đầu cô được tư vấn rất nhiều cơ sở, sau đó vẫn lựa chọn vào đây học. "Lúc đầu nói đi học nghề mà học 2-3 năm mình cũng khá oải, nhưng học xong mình mới cảm thấy may mắn vì được học nhiều kỹ năng ở cơ sở đào tạo rất chuyên nghiệp", Uyên nói.
Theo báo cáo của Hiệp Hội làm đẹp, năm 2015, cả nước chỉ có khoảng 15.000 cơ sở làm đẹp thì tới năm 2020 số cơ sở này đã lên 3.000 cơ sở. Năm 2022 con số này có thể lên tới 3.200 cơ sở.
Không chỉ được đào tạo các kỹ năng chăm sóc da, cô còn được học cả các kỹ năng mềm, như kỹ năng chăm sóc, tư vấn khách hàng, quan hệ, ứng xử... với khách hàng. Ngoài ra Uyên còn được tiếp cận với các kênh thông tin nắm bắt xu hướng làm đẹp mới nhất, được học với thầy cô đến từ các quốc gia có thương hiệu về chăm sóc sắc đẹp.
Ở phía bắc Ngoài trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội, còn có một số các cơ sở GDNN chăm sóc sắc đẹp uy tín như: CĐ Công nghệ Bách Khoa Hà Nội; CĐ Kỹ thuật Y dược Hà Nội... ở phía Nam Có: ĐH Tôn Đức Thắng; CĐ Nghề Công thương Việt Nam...
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiện Hội dạy nghề công tác xã hội Việt Nam đánh giá, ngành chăm sóc sắc đẹp là một trong những nhóm ngành hot nhất trong giai đoạn hiện nay. Tốc độ của các cơ sở chăm sóc sắc đẹp mọc lên rất nhanh, nhưng chất lượng của lao động làm nghề này lại khá yếu.
"Tôi cho rằng, cần siết lại việc cấp phép trong việc cho mở các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, đồng thời yêu cầu lao động ở các trung tâm phải qua đào tạo, được cấp chứng chỉ, hành nghề. Thực tế, nhiều lao động không có chuyên môn kỹ thuật, đã gây hại cho khách hàng", ông Lân nói.
Khảo sát tại một số cơ sở đào tạo chăm sóc sắc đẹp thuộc hệ thống GDNN, mức học phí dao động trong khoảng từ 1 -1,2 triệu đồng/1 tháng tương đương khoảng 5-6 triệu đồng/1 học kỳ và khoảng 10-12 triệu đồng/1 năm học.
Thời gian học, học sinh học liên tục trong vòng 2-3 năm. Học tập trung, ngoài việc được đào tạo kỹ năng cơ bản về chuyên ngành theo học, học sinh còn được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chăm sóc sắc đẹp toàn diện, nâng cao. Thường sau 1 năm học sinh có thể được đi thực tập tại các cơ sở làm đẹp và được trả phụ cấp lương nếu làm tốt.
Với các cơ sở đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp thuộc các spa, cơ sở tư nhân, đào tạo theo hình thức vừa dạy vừa làm thời gian có thể ngắn hơn. Học sinh chỉ cần học từ 8 tháng cho tới 1 năm. Học phí cho một khóa học kiểu này cũng rẻ hơn rất nhiều chỉ tầm 8-10 triệu đồng. Thậm chí một số học viên sau 2-3 tháng còn có thể được nhận phụ cấp tiền lương nếu làm tốt.
Dù học tại các cơ sở GDNN hay thẩm mỹ viện, Spa thì học viên sau học đều được tư vấn giới thiệu việc làm nếu có nhu cầu. Tất nhiên, mức thu nhập cũng tùy thuộc vào trình độ tay nghề của các học sinh, lao động.
Theo ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghệ Cao Hà Nội cho biết, các học sinh tốt nghiệp khoa chăm sóc sắc đẹp hệ cao đẳng của trường ra trường 100% có việc làm ngay. Mức thu nhập trung bình của các em từ 8-10 triệu đồng/tháng và tăng dần theo thời gian và tay nghề của từng lao động.
"Nhiều em sau 1 -2 năm đi làm thuê có thể mở được cơ sở chăm sóc sắc đẹp riêng, doanh thu 400-500 triệu năm", thầy Khánh nói.
Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở GDNN còn có chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề ở nước ngoài giúp học sinh có thể học nâng bằng, nâng cao tay nghề kỹ thuật.