Vừa qua, xảy ra vụ việc một chiếc xe tay ga Honda SH Mode khi đang đổ đèo Tam Đảo thì mất phanh. Rất may, lái xe đã xử lý nhanh nhạy và được sự trợ giúp của một người đi xe máy cùng chiều nên không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Tuy nhiên, từ đó nhiều người quan tâm đến việc sử dụng xe tay ga thế nào để an toàn khi đổ đèo. Đây là kinh nghiệm sống còn mà người dân cần biết khi xe tay ga đang là phương tiện phổ biến hiện nay.
Trước khi bắt đầu mỗi hành trình, người lái xe cần phải kiểm tra kỹ càng chiếc xe sẽ đồng hành cùng mình, đặc biệt khi đi đường đèo. Trong đó, bộ phận quan trọng nhất là phanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn trong suốt hành trình.
Má phanh cần phải được thay định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất từ khoảng 5.000 - 10.000km sẽ đảo bảo hoạt động ổn định, tránh trường hợp mất phanh khi đổ đèo.
Nhiều người có thói quen tắt máy khi xe xuống dốc để tiết kiệm xăng. Thực chất, xe xuống dốc tiêu hao rất ít nhiên liệu nên việc này không cần thiết bởi sẽ mang đến nguy hiểm khi đổ đèo.
Việc tắt máy xe tay ga khi đổ đèo sẽ khiến phanh phải làm việc hết công suất để giảm tốc độ. Khi má phanh sử dụng quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến hiện tượng quá nhiệt gây mất phanh. Chính vì vậy, tắt máy xe tay ga khi đổ đèo là việc tối kỵ.
Với xe số, người lái xe sẽ dễ dàng hãm tốc độ bằng việc về số thấp 2 hoặc 3. Tuy nhiên, xe tay ga sẽ khó hơn, nhưng kinh nghiệm này người lái xe cũng cần phải "nằm lòng".
Về thiết kế, xe tay ga sử dụng động cơ với hộp số CVT, hộp số này sử dụng bánh răng nên không thể lên, xuống số chủ động.
Do đó, khi đổ đèo, người lái nên giữ cho xe ở tốc độ thấp dưới 20km/h rồi rà phanh bằng cách mớm ga nhằm giữ tốc độ ổn định. Tuyệt đối không được thả trôi mà bắt buộc phải mớm ga đều, liên tục để xe luôn có tốc độ ổn định thì người lái mới có thể kiểm soát được xe tay ga khi đổ đèo.
Khi xe chạy tốc độ cao, ngoài việc vẫn phải mớm ga, người lái phải kết hợp với việc rà phanh bằng tay nhẹ nhàng và phải nhà đều. Khi phanh không nên bóp chết, phanh quá lâu sẽ dẫn đến việc bị nóng và mất phanh.