Mùi đu đủ xanh là bộ phim đầu tay của Trần Anh Hùng và có sự tham gia của vợ anh là nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Phim đặt bối cảnh ở Việt Nam những năm 1950, nhưng lại được quay ở Pháp.
Trần Anh Hùng đoạt giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993. Nguồn: NSX
Phim xoay quay từng giai đoạn trong cuộc đời của Mùi – từ thuở nhỏ đã đi ở tại một gia đình gốc Bắc buôn vải ở Sài Gòn khoảng những năm 1950. Trong gia đình này, người vợ là trụ cột chính, gánh vác công việc, còn người chồng chỉ biết chơi bời. Mười năm sau, gia đình Mùi giúp việc lâm vào khủng hoảng, cô lại người giúp việc cho một nghệ sĩ piano, cũng từ đây cuộc đời của Mùi bước sang trang mới…
Nhờ khai thác giá trị của người phụ nữ Việt qua sự sắt son, tấm lòng thủy chung giữa bối cảnh quá khứ, Mùi đu đủ xanh đã khiến cho giới phê bình quốc tế cảm thấy ấn tượng, góp phần giúp tác phẩm của Trần Anh Hùng đoạt giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, một giải César cho phim đầu tay hay nhất. Bộ phim còn được đề cử cho giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66, giúp tác phẩm này trở thành bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng nhận được đề cử Oscar.
Nhà phê bình Roger Ebert từng đoạt giải Pulitzer chấm phim 5/5 sao và gọi đây là "một bộ phim đầy sự điềm tĩnh và chan chứa ngọt ngào, xem nó giống như đang nghe nhạc êm dịu vậy... Một bộ phim điềm tĩnh, nội tâm, trầm lặng - không có tình tiết chèo lái nhưng tập trung vào sự phát triển của người phụ nữ".
Janet Maslin của tờ The New York Times cũng dành những lời khen ngợi cho bộ phim: "Mùi đu đủ xanh đánh dấu màn ra mắt hoa mỹ, cái nhìn say đắm cho đạo diễn Hùng; phim của anh thường rất yên lặng đầy tính liên tưởng rằng nó chỉ cần lời đối thoại là vừa đủ".
Bi, đừng sợ là phim dài đầu tay của Phan Đăng Di, do Le Arte, Sud-est và BHD sản xuất năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp vào tháng 4/2010. Tác phẩm thuộc dạng phim độc lập mang nhiều tính thể nghiệm.
Bi, đừng sợ kể câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội, nơi có chú bé 6 tuổi tên Bi sống cùng bố mẹ, người cô ruột chưa chồng và bà giúp việc lâu năm. Xáo trộn đáng kể của gia đình cũng là cái cớ vào phim xảy ra khi ông nội Bi, một người già đau ốm ở phương xa bỗng nhiên trở về. Đó là hai thế giới hiển hiện với những người đàn ông loay hoay với những cơn say, sự đau đớn của bạo bệnh và những người phụ nữ gắng giải phóng cho mình khỏi những ám ảnh từ dục vọng cá nhân…
Năm 2010, bộ phim của đạo diễn Phan Đăng Di đã nhận được hai giải: ACID/CCAS của Hiệp hội Các nhà phát hành phim độc lập và SACD cho biên kịch xuất sắc nhất trong hạng mục Tuần lễ các nhà phê bình của LHP Cannes lần thứ 63.
Nhận xét về bộ phim, nhà phê bình James McNally của trang Toronto Screen Shots từng cho rằng: "Đây là một bộ phim với rất nhiều bí ẩn, chưa một bí ẩn nào được hé lộ. Theo một nghĩa nào đó, điều này để lại chỗ cho các nhân vật hành động theo những cách không thể đoán trước, nhưng nó cũng dẫn đến một số điểm bối rối". Tại Việt Nam, phim từng được chiếu hạn chế nhưng gây ra tranh cãi bởi không ít những cảnh nóng gây sốc.
Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân là một trong năm tác phẩm xuất sắc thuộc Dự án phim ngắn CJ năm 2018. Câu chuyện kể về vụ tông xe xảy ra trước một quán nhậu ở vỉa hè đã vô tình kết nối trong câu chuyện của 3 thanh niên. Bộ phim gây ấn tượng với toàn bộ cảnh quay được thực hiện chỉ với một cú máy dài, khắc họa được rõ nét bức tranh xã hội hiện thực chỉ với cuộc nói chuyện và bối cảnh tại khu quán nhậu ven đường.
Sau khi hoàn thành dự án vào cuối năm 2018, phim đã được gửi tham dự tại Cannes và chính thức được lựa chọn công chiếu tại hạng mục quan trọng Quinzaine des Réalisateurs (Directors' Fortnight) hay còn gọi là Tuần lễ đạo diễn - một nhánh của LHP Cannes, ra đời từ năm 1968 nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật không tranh giải chính. Trong hạng mục này, Hãy tỉnh thức và sẵn sàng tranh tài cùng 9 phim ngắn đến từ các quốc gia khác. Đây là phim ngắn Việt duy nhất được lựa chọn năm đó.
Khi Liên hoan phim Cannes 2019 được diễn ra, Hãy tỉnh thức và sẵn sàng đã giành chiến thắng tại hạng mục Directors' Fortnight. Trước chiến thắng của Thiên Ân, đạo diễn Hồng Ánh (người hướng dẫn Thiên Ân) nhận xét: "Phim dài bảy phút được quay chỉ với một cú máy. Tôi đánh giá cao khả năng, kỹ thuật của Ân trong việc dàn dựng, ghi hình. Anh là nhà làm phim có tố chất và sẽ còn tiến xa trong nghề".
Spring Roll Dream (hay Giấc mơ gỏi cuốn) có độ dài 9 phút do Mai Vũ - sinh viên trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School - NFTS) - đạo diễn kiêm họa sĩ hoạt hình chính. Dự án là sản phẩm tốt nghiệp của cô. Trong hạng mục La Cinef, có 1.528 tác phẩm được gửi về từ các trường điện ảnh nhưng chỉ 16 cái tên được chọn.
Giấc mơ gỏi cuốn mô tả những thay đổi của một gia đình ba thế hệ. Linh là một bà mẹ đơn thân người Việt Nam đang xây dựng cuộc sống ổn định cho bản thân và con trai ở Mỹ, nhưng sự cân bằng cuộc sống của cô bị đảo lộn khi người bố (do NSND Bùi Bài Bình lồng tiếng) từ Việt Nam sang thăm và nhất quyết phải làm gỏi cuốn cho cháu trai. Khi xung đột tưởng chừng như vô hại này nảy sinh, Linh phải đối mặt với quá khứ, nơi có nền văn hóa mà cô ấy từng được nuôi dậy cũng như câu hỏi, liệu nó thuộc về đâu trong cuộc sống mới của gia đình cô ấy.
Mới đây, Mai Vũ đã mang về niềm tự hào cho Việt Nam khi nhận giải Light on Women Award cho phim tranh tài ở hạng mục La Cinef của Liên hoan phim Cannes 2022. Đây là giải thưởng để khuyến khích các nữ đạo diễn với những bộ phim ngắn theo đuổi khát vọng sáng tạo của mình. Trị giá giải thưởng là 20.000 euro. Nữ diễn viên Kate Winslet là người đại diện trao giải thưởng cho đạo diễn Mai Vũ trong buổi bế mạc Liên hoan phim Cannes 2022 vào ngày 27/5.