Dân Việt

Tăng kinh phí sản xuất, phim Việt vẫn “đội sổ” phòng vé

Ngọc Dủ 31/05/2022 15:02 GMT+7
Một điều nghịch lý đang xảy ra tại các phòng vé Việt, đó là không ít phim đầu tư kinh phí được xem là “khủng” so với mặt bằng thị trường phim Việt, nhưng doanh thu lại mang về chỉ vài tỉ đồng ít ỏi.

Một điều nghịch lý đang xảy ra tại các phòng vé Việt, đó là không ít phim đầu tư kinh phí được xem là “khủng” so với mặt bằng thị trường phim Việt, nhưng doanh thu lại mang về chỉ vài tỉ đồng ít ỏi.

Tăng kinh phí sản xuất, phim Việt vẫn “đội sổ” phòng vé - Ảnh 1.

Phim 578: Phát đạn của kẻ điên đánh dấu lần đầu H’Hen Niê đóng phim. Ảnh: NSX

Nếu như trước đây, phim Việt đầu tư chỉ rơi vào khoảng 10 -20 tỉ đồng cho tất cả các khâu: Truyền thông, sản xuất, cát-xê diễn viên... để phim ra rạp thì nay nhiều phim Việt đã tăng mức đầu tư lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Tuy nhiên, trái ngược với việc đầu tư “khủng”, nhiều phim Việt trong năm 2022 vẫn bị “đội sổ” phòng vé. Điều này là đáng báo động.

“Bom tấn” Việt “đội sổ” phòng vé

Thời gian qua, nhiều phim Việt đang đổ bộ phòng vé khi rạp phim mở cửa trở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, nhiều tác phẩm được đầu tư lớn. Phim của Lý Nhã Kỳ với tên gọi Kẻ thứ 3 đầu tư gần 33 tỉ đồng. Phim 578: Phát đạn của kẻ điên đầu tư 60 tỉ đồng... So với mặt bằng chung, kinh phí đầu tư các phim này cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi ra rạp phim lại mang về doanh thu ít ỏi, chỉ đạt vài tỷ đồng.

Ra mắt từ giữa tháng 5, tác phẩm "Kẻ thứ 3" của Lý Nhã Kỳ gây chú ý khi là một trong những dự án điện ảnh Việt có kinh phí lớn nhất từ đầu năm. Sau 15 ngày chiếu, theo Box Office Việt Nam phim không chạm nổi mốc một tỉ đồng. Đến ngày 27.5, tại hệ thống CGV, Galaxy, phim không còn suất, dần bị rút khỏi các cụm rạp khác.

Bên cạnh phim của Lý Nhã Kỳ, một bộ phim khác đang có dấu hiệu “chết yểu” ở phòng vé chính là "578: Phát đạn của kẻ điên" (đạo diễn Lương Đình Dũng). Phim được công bố có kinh phí đầu tư 60 tỉ đồng, sau một tuần, phim thu về khoảng 3 tỉ đồng - theo số liệu của Box Office. 

Trên website các cụm rạp, phim có suất chiếu ít ỏi do nhu cầu xem của khán giả giảm. Với đà này, các chuyên gia phim ảnh dự đoán "578: Phát đạn của kẻ điên" sẽ rời khỏi rạp chiếu với doanh thu ảm đạm. Trở thành một trong những phim Việt thua lỗ nhất từ trước đến nay.

Nhiều phim Việt khác cũng chịu chung tình trạng thua lỗ hàng chục tỉ đồng. Trong đó, một số phim có mức doanh thu được xếp vào top tốt nhất của năm 2022 cũng chỉ dừng ở con số hơn vài chục tỉ đồng như: “Bẫy ngọt ngào” với 87 tỉ đồng, “Nghề siêu dễ” (72 tỉ đồng), “Chìa khóa trăm tỷ” (70 tỉ đồng), “Chuyện ma gần nhà” (62 tỉ đồng).

Trong khi đó, phim “đội sổ” phòng vé không thể... kể xiết với “Mến gái miền Tây” (8 tỉ đồng), “Người lắng nghe” (2,5 tỉ đồng), “Người tìnhx (1,2 tỉ đồng)... Trước các phim “Kẻ thứ 3” hay “578: Phát đạn của kẻ điên” từng có một phim Việt khác đầu tư 50 tỉ đồng là “Sám hối”. Tuy nhiên, phim chỉ đạt doanh thu khoảng 1 tỉ đồng và rút khỏi rạp chiếu trong tình trạng thua lỗ nặng nề.

Vì sao nâng chi phí sản xuất, phim Việt vẫn thua lỗ?

Nhiều phim Việt thời gian qua đã được nâng cao chi phí sản xuất. Điều này từng là niềm ao ước của nhiều nhà làm phim Việt khi họ phải cân đo đong đếm quá nhiều khâu trong quá trình thực hiện phim.

Tuy nhiên, khi việc cải thiện kinh phí để đầu tư vào bối cảnh, phục trang... chỉ thu hút phần nhìn, còn chiều sâu phim đang là điểm yếu của các nhà làm phim Việt. Đó cũng là nguyên do khiến các phim có kinh phí sản xuất cao thua lỗ trong thời gian qua.

Xét riêng phim “Người thứ 3” của Lý Nhã Kỳ. Phim có nội dung nhạt, diễn xuất kém. “Kẻ thứ 3” chọn câu chuyện người chồng nỗ lực thay đổi quá khứ để ngăn vụ tai nạn khiến vợ qua đời. Phim có môtíp xuyên không, phần hình ảnh giàu chất điện ảnh qua bàn tay đạo diễn Hàn Quốc Park Hee Joon. Dù vậy, phim vấp phải điểm trừ nặng ở diễn xuất của Lý Nhã Kỳ. Tác phẩm còn yếu về cốt truyện với một đường dây kịch bản bất hợp lý.

Bên cạnh đó, “578: Phát đạn của kẻ điên” cũng bị khán giả chê nhạt nhòa về diễn xuất vì chủ yếu tập trung ở khâu hành động. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, H’Hen Niê - vai trinh sát Bảo Vy có tạo hình mạnh mẽ, gợi cảm nhưng không có thời lượng để phát huy diễn xuất. Những cảnh cô góp mặt chủ yếu mang tính tạo dáng, lai lịch, xuất thân của nhân vật không được khai thác kỹ lưỡng, gây thắc mắc cho người xem.

Ngoài H’Hen Niê, dàn diễn viên còn lại cũng mắc điểm trừ ở lời thoại ngô nghê, không có dấu ấn. Ban đầu đạo diễn phim nói ý đồ tác phẩm muốn lên án nạn ấu dâm, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, khi đưa lên phim, thông điệp không rõ ràng, khiến phim phản tác dụng.

Theo biên kịch Hồng Nhung: “Phim Việt thời gian qua thua lỗ dù đầu tư kinh phí cao nguyên nhân chính đến từ khâu nội dung và diễn xuất. Hai yếu tố này quan trọng, quyết định đến thành bại của phim.

Ngoài ra, hiệu ứng phim cũng cần được chú trọng. Nhiều phim thua lỗ thời gian qua vì truyền thông yếu kém, mức lan tỏa, tiếp cận khán giả yếu. Nếu so với nhiều năm trước, phim Việt thắng lớn dựa vào ngôi sao phòng vé thì nay yếu tố lan tỏa, truyền thông rất quan trọng bởi mạng xã hội bùng nổ, khán giả tiếp cận phim thông qua truyền thông, các ứng dụng như Facebook, TikTok là chủ yếu.

Ngoài ra, sau dịch, khán giả cũng lựa chọn kỹ tính để xem phim hơn. Họ sẵn sàng bài trừ phim chưa tốt. Điều đó chứng minh qua các bom tấn ngoại vẫn có sức sống ở Việt Nam - nhiều phim vượt mốc 100 tỉ đồng hoặc gần 200 tỉ đồng khi chiếu tại Việt Nam”.