Ngày 3/6, Công an thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quốc Thịnh (35 tuổi) để điều tra liên quan vụ tai nạn khiến 3 người chết.
Cảnh sát xác định đêm 2/6, Thịnh điều khiển xe ôtô Audi tới ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, thì va chạm với xe máy do anh Nguyễn Mạnh H. (sinh năm 1974, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) cầm lái chở theo vợ và con gái.
Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở.
Trước đó, khoảng 23h30 đêm 2/6, xe ôtô Audi do Nguyễn Đức Thịnh điều khiển, đi đến ngã tư Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương thì va chạm với xe máy do anh Nguyễn Mạnh H. (48 tuổi, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) điều khiển, chở vợ là Dương Thị Q. (44 tuổi) và con gái là cháu Nguyễn Thùy D. (13 tuổi).
Hình ảnh camera giao thông ghi lại cho thấy, thời điểm tai nạn, đường phố rất vắng, xe máy đang đi được 2/3 ngã tư thì ôtô đi với tốc độ nhanh tông trúng.
Tại hiện trường, ôtô bị hư hại phần đầu, xe máy biến dạng, nằm cách xa ôtô hơn 10m. 3 người đi xe máy chết tại chỗ, nằm cách nhau khoảng 10m và cách vị trí bị đâm vài chục mét.
Thịnh là cán bộ Ban Quản lý bảo trì đường bộ Bắc Giang thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc xe ôtô đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao khiến 3 người chết, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Thịnh.
Theo ông Cường, luật giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, khi đi đến những ngã ba, ngã tư giao cắt phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để tránh va chạm với các phương tiện khác.
Trường hợp người điều khiển phương tiện đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát khi qua những điểm giao nhau và gây tai nạn giao thông, đây là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, nếu hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về vụ việc trên, nếu người lái xe ôtô có lỗi và hậu quả khiến 3 người chết, trong tình huống này sẽ có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của Điều 260 là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Bởi, theo quy định của Điều 260, người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, gây ra tai nạn giao thông khiến 3 người chết trở lên, hình phạt sẽ ở khoản 3 là phạt tù 7 đến 15 năm.
Chưa hết, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông gây tai nạn giao sẽ là tình tiết định khung hình phạt.
Ông Cường còn cho biết, ngoài việc có thể phải chịu mức hình phạt đến 15 năm tù nếu bị khởi tố, người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân.
Cụ thể, bồi thường về chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần đối với thân nhân của nạn nhân...