Ngày 5/6, Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, Trương Quang Anh Đức, 22 tuổi, đã ra đầu thú và thừa nhận lừa hàng trăm sinh viên đứng tên mua hàng trả góp để lấy doanh số, chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng.
Bước đầu Đức thừa nhận gần một năm qua đã tiếp cận hàng trăm sinh viên, xưng là nhân viên của cửa hàng điện máy lớn đang phải chạy doanh số cho công ty.
Đức đề nghị các sinh viên giả vờ làm hồ sơ mua hàng để mình lấy doanh số, trả công cho họ 400 nghìn đồng. Người nào giới thiệu thêm bạn bè sẽ được hưởng hoa hồng 150 - 200 nghìn đồng mỗi hồ sơ.
Để các sinh viên tin tưởng, Đức cam kết hồ sơ vay chỉ là "ảo", sẽ tự động hủy sau vài ngày. Khi họ đồng ý, Đức lấy căn cước công dân làm thủ tục vay tiền, mua hàng trả góp.
Bằng thủ đoạn này, Đức đã lừa hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Cần Thơ, đứng tên vay 10-60 triệu đồng mỗi người. Số tiền chiếm đoạt được Đức cho người khác vay lại để lấy lãi và tiêu xài. Đến cuối tháng 4, Đức mất khả năng chi trả nên bỏ trốn.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo thông tin đầu thấy hành vi của Trương Quang Anh Đức đã có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự và có thể sẽ khởi tố vụ án để điều tra.
Tội danh này có 4 khung hình phạt, khung thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong đó, điểm a khoản 4 Điều 174 quy định, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, nếu bị truy tố về tội danh trên, tuy vào tính chất mức độ, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhé, Trương Quang Anh Đức có thể phải đối mặt các khung hình phạt như đã nói ở trên.
Theo luật sư Hòe, hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối.
Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động, bằng hình ảnh hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.
Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.
Nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản, đây không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Trước đó, hàng trăm sinh viên đã làm đơn tố cáo Đức đến Công an quận Ninh Kiều. Họ cho biết vì tin tưởng "hồ sơ vay sẽ tự động hủy" như anh ta cam kết nên đã ký giấy vay tiền mua hàng trả góp.
Tuy nhiên, không lâu sau, các sinh viên liên tục bị nhân viên công ty tài chính gọi điện đe dọa, buộc phải trả tiền.
Vụ việc này gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.