Lo ngại ảnh hưởng chất lượng học tập
Năm học 2022-2023, TP Hà Nội vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định để tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6.
Theo kế hoạch, thời gian tuyển sinh đầu cấp được thực hiện trong đầu tháng 7 tới đây. UBND thành phố yêu cầu tổ chức tuyển sinh tạo thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Nỗ lực kiểm soát việc tuyển sinh trái tuyến để giảm tình trạng quá tải học sinh trong nhiều năm qua của Hà Nội có nhiều điểm tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng gia tăng như hiện nay, tình trạng sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt là với lớp 1 luôn quá tải tại các trường công lập là nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Dù nguyện vọng con sẽ học trường công lập nhưng thời điểm này, chị Lê Quỳnh Nga (quận Hà Đông) đang tìm hiểu thêm thông tin một số trường tiểu học ngoài công lập gần nhà để chuẩn bị cho con trai vào lớp 1.
Sở dĩ như vậy bởi theo chị Nga, những năm học gần đây, số học sinh ở các trường tiểu học trên địa quận luôn rất đông. Chị e ngại chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên, chị tính phương án dự phòng cho con là sẽ học trường ngoài công lập nếu lớp 1 trường công tập của con có sĩ số quá tải.
Tương tự, con gái chị Nguyễn Hồng Tươi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay bước vào lớp 1. Theo đúng tuyến, con chị Tươi sẽ học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Đây là một trong số trường có số học sinh đông nhất, nhì trên địa bàn quận, với trung bình hơn 4.000 học sinh/năm.
Với gia đình chị Tươi, việc cho con học trường công lập sẽ phù hợp bài toán kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, điều chị lo lắng lúc này là sĩ số học sinh/lớp. Theo tìm hiểu của chị Tươi, trung bình sĩ số học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Chu Văn An khoảng hơn 50 học sinh/lớp.
“Lớp quá đông sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của các con. Cô giáo cũng nhiều áp lực hơn. Nên tôi rất mong năm học này, lớp học sẽ không quá tải”, chị Tươi cho hay.
Trường xây mới không theo kịp tốc độ tăng dân số
Theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ GDĐT ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT có không quá 45 học sinh; mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.
Tuy nhiên, đối với TP Hà Nội, quy định này là bài toán khó bởi tốc độ tăng dân số nhanh. Theo số liệu của Sở GDĐT Hà Nội, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 39,3; cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7.
Con số này có sự khác biệt ở một số địa bàn. Ghi nhận thực tế cho thấy, với những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, sĩ số học sinh/lớp luôn cao hơn nhiều so với quy định. Đáng chú ý ở các trường tiểu học, nhiều trường có tỉ lệ bình quân hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí đã có thời điểm, một lớp vượt quá hơn 60 học sinh.
Nguyên nhân căn bản khiến sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội trong nhiều năm qua luôn vượt quá quy định là tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường, lớp chưa đáp ứng yêu cầu.
Tăng cường đầu tư kinh phí để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô trường, phòng học là giải pháp của các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy, hằng năm, công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học đều được triển khai, song do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nên ở nhiều trường có hiện tượng quá tải.
Là địa phương có số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm nhiều nhất thành phố, quận Hoàng Mai luôn dành tỷ lệ lớn từ ngân sách cho việc xây dựng, mở rộng trường học.
Theo Phòng GDĐT quận Hoàng Mai, năm học 2022 - 2023, quận Hoàng Mai có thêm một trường THCS tại phường Hoàng Liệt, nhằm giảm tải cho Trường THCS Hoàng Liệt. Ngoài ra, quận đã dành ngân sách mở rộng Trường THCS Vĩnh Hưng và THCS Lĩnh Nam, mỗi trường có thêm 16 phòng học, đáp ứng tốt công tác tuyển sinh lớp 6.
Để giải quyết tình trạng quá tải trường học ở các địa bàn đông dân cư, giải pháp trước mắt của Phòng GDĐT huyện Thanh Trì là nghiên cứu để tham mưu với UBND huyện điều chỉnh tuyến tuyển sinh ở các trường cho phù hợp, khoa học.
Ông Phạm Văn Ngát – Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho hay, Phòng cũng tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các nhà trường tập trung phát huy nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các nhà trường, góp phần hạn chế tâm lý chọn trường của phụ huynh.
Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022-2023 TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2022-2023 và tổ chức thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo đó, Sở GDĐT là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022-2023 thành phố, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện toàn bộ kỳ thi, tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ phối hợp với Sở GDĐT tổ chức thi và tuyển sinh bảo đảm yêu cầu đề ra. Trong đó, UBND quận, huyện, thị xã có trách kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của các cơ sở giáo dục về đối tượng tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; bảo đảm số học sinh/lớp đúng quy định, góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia.
Cụ thể, đối với mẫu giáo 3-4 tuổi có không quá 25 trẻ/lớp; mẫu giáo 4-5 tuổi có không quá 30 trẻ/lớp; mẫu giáo 5-6 tuổi có không quá 35 trẻ/lớp; tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp và trung học có không quá 45 học sinh/lớp.
*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại