Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (huyện Bình Chánh) chia sẻ, nơi làm việc của hai vợ chị cách nhà khoảng 17km (quận Tân Bình), nên bình thường chi phí đi lại cũng khá tốn kém.
Bình thường chị đổ khoảng 80.000 đồng là đầy bình xăng chiếc xe Sirius FI đi được 2-3 ngày. Bây giờ giá xăng tăng lên hơn 31.500 đồng/lít nên dù đổ cả trăm nghìn cũng chưa thấy… "tròm trèm".
"Giá xăng tăng nên mọi chi phí sinh hoạt đều tăng, trong khi đồng lương vẫn vậy. Các khoản chi tiêu khác như lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá xăng. Để đảm bảo cuộc sống, gia đình tôi đã phải thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt hằng ngày, chi tiêu của gia đình sẽ phải thắt chặt hơn nữa", chị Xuyến chia sẻ.
"Tôi nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ sớm để làm sao giá xăng dầu không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân", chị Xuyến nói thêm.
Do dịch bệnh, kinh tế đã bị ảnh hưởng nay lại phải đối mặt với khó khăn do giá xăng tăng cao khiến anh Nguyễn Trọng Hiếu, lái xe khách tuyến Bảo Lộc - Sài Gòn, càng thêm lo lắng.
"Chi phí xăng dầu tăng ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển. Nếu giữ giá thành bình thường 180 - 200.000 đồng/khách thì nếu không có từ 5-6 khách trở lên sẽ lỗ. Còn nếu tăng cước lên 250.000 đồng thì khách lại ít đi mà chọn các hãng xe giường nằm lớn như Phương Trang, Thành Bưởi… Bởi vậy, thời gian gần đây nhà xe chuyến đi chuyến không", anh Hiếu nói.
Trong tháng 5 vừa qua, Sở Tài chính đã phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành tổ chức 50 đợt kiểm tra việc niêm yết giá mặt hàng bình ổn thị trường, nhận thấy các điểm bán chấp hành rất nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên sức mua tại chợ tiếp tục giảm so với tháng trước, giá hàng hóa tăng nhẹ.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu lại tăng chóng mặt. Chưa bao giờ trong lịch sử có mức tăng mấy trăm % như vậy.
Là đơn vị sản xuất tới 2 triệu lít nước mắm/năm, 60% phục vụ xuất khẩu nên doanh nghiệp hiểu rất rõ sức ép của chi phí đầu vào tăng từ cá nguyên liệu, muối, bao bì, nhân công; chưa kể giá xăng dầu tăng kéo theo cước tàu biển cũng tăng phi mã. Hiện, doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm khoảng 12-15%.
"Sự phục hồi của doanh nghiệp sau dịch Covid-19 cần có thời gian và còn kéo dài tới nhiều năm sau nữa. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các chính sách của Nhà nước cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bởi giá xăng dầu tác động trực tiếp và rất nhanh lên mặt bằng giá", bà Ngân cho biết thêm.
Với sức ép từ giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, một số doanh nghiệp tính toán đến việc tăng giá bán sản phẩm nhưng cũng có doanh nghiệp đang cố gắng kiềm chế giá bán để kích cầu tiêu dùng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, lần tăng giá trứng trong chương trình bình ổn gần đây nhất là ngày 2/4. Sau lần tăng giá này, giá trứng gà bình ổn thị trường đang là 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục.
"Mức giá này hiện thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch lớn so với giá bán ở thị trường", ông Thiện thông tin.
Cũng theo ông Thiện, giá đầu vào đã tăng khoảng 40% so với tháng 6/2021. Hiện 80%-90% sản lượng trứng của Vĩnh Thành Đạt được bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường.
"Với sản lượng bán ra mỗi ngày tăng ít nhất 50% so với số lượng đăng ký trong chương trình, chúng tôi đang phải gồng lỗ. Một vài ngày nữa chúng tôi cũng họp để xin các ban ngành điều chỉnh giá bán. Nếu được tăng giá bán thì doanh nghiệp có thể hòa vốn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giữ giá và dẫn dắt thị trường" - ông Thiện chia sẻ.
Theo khảo sát thực tế của Dân Việt, do giá bán trứng ngoài thị trường (các chợ truyền thống, tạp hóa…) chênh cao tới 5.000-6.000 đồng/chục, so với giá trứng bình ổn trong các siêu thị nên các bà nội trợ đổ vào siêu thị mua. Vì vậy, đã có một số siêu thị phải giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 vỉ (10 trứng/vỉ) để hạn chế tình trạng mua gom.
Về vấn đề này, ông Trương Chí Thiện lý giải, do giá cám, chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng nên người chăn nuôi chỉ dám tái đàn cầm chừng khiến nguồn cung trứng giảm 40%-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trứng, áp lực còn đến từ chi phí vận chuyển, bao bì… tăng vọt. Nếu không được điều chỉnh giá thì không chỉ doanh nghiệp bình ổn thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường trong thời gian tới" - ông Trương Chí Thiện chia sẻ.
Còn theo dữ liệu từ Sở Tài chính TP.HCM, trong tháng 5, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng phổ biến, chỉ có 2 nhóm hàng giảm giá, còn lại đều tăng giá.
Theo Sở Tài chính, qua so sánh giá bình quân của các chợ lẻ tại TP.HCM, cửa hàng, kênh siêu thị thì giá của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Như giá gạo thấp hơn giá thị trường 11%, trứng gia cầm thấp hơn 11%, dầu ăn thấp hơn 10,4%, đường thấp hơn 12,5%, thịt gia cầm thấp hơn 12 - 25%, thịt heo thấp hơn 13 - 29%…
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Quang Anh - Tổng giám Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống công nhân lao động.
"Xăng tăng thì mọi thứ chi phí đều tăng, từ thực phẩm đến các dịch vụ khác của đời sống cũng tăng. Trong khi các doanh nghiệp thì đang trên đà hồi phục nên việc tăng lương cho công nhân cũng rất khó khăn, không phải đơn vị nào cũng làm được", ông Quang Anh nói, đồng thời ông cũng cho biết rất ủng hộ việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ.
"Đề xuất này là hợp lý, bảo vệ được thu nhập của người lao động, nhất là lao động tự do, phi chính thức. Các doanh nghiệp hiện nay, ngoài việc tuyển dụng lao động làm việc lâu dài, cũng sử dụng không ít công nhân thời vụ. Chính vì thế, lương tối thiểu vùng theo giờ là công cụ kiểm soát giúp thu nhập của người lao động thời vụ ổn định và đảm bảo hơn", ông Quang Anh nói thêm.