Dân Việt

Ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt cao nhất 15 năm tù?

Quang Trung 07/06/2022 19:28 GMT+7
Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị khởi tố về tội danh này, ông Nguyễn Thanh Long có thể đối mặt với khung hình phạt nào?

Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 67/QĐ-CSKT-P9 ngày 17/12/2021, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 30/QĐ-CSKT-P9 ngày 31/12/2021; thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt cao nhất 15 năm tù? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Long khi đang đương chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh IT.

Mở rộng điều tra vụ án, C03 xác định: Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 7/6/2022, C03 ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Long về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Nguyễn Thanh Long đối mặt khung hình phạt nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh mà ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự 2015. Tội danh này có 3 khung hình phạt.

Cụ thể, khung 1 (khoản 1), người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Khung 2 (khoản 2), người nào phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Khung 3 (khoản 3) người nào phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Theo luật sư Hòe, như vậy nếu kết thúc quá điều tra, ông Nguyễn Thanh Long vẫn bị truy tố về tội danh nêu trên. Và theo C03, ông Long bị khởi tố theo khoản 3 Điều 356 thì ông này sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm. 

Luật sư Hòe cho biết, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn.

Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật, tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài hai dấu hiệu pháp lý thông thường của chủ thể của tội phạm là độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác.