Dân Việt

Đề thi môn Văn vào lớp 10 ở một tỉnh bị nhận xét "chưa được phù hợp với lứa tuổi"

Tào Nga 07/06/2022 20:25 GMT+7
Đề thi môn Văn vào lớp 10 Nghệ An có câu hỏi tuy vẫn có ý nghĩa giáo dục cao song giáo viên nhận xét tương thích hơn với học sinh sắp tốt nghiệp cấp THPT.

Đề thi môn Văn vào lớp 10 Nghệ An

Hôm nay, ngày 7/6, hơn 43.000 thí sinh Nghệ An đã hoàn thành bài thi vào lớp 10 môn Ngữ văn – môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023.

Bài thi môn Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút. Dưới đây là đề thi và đáp án đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn năm 2022 tỉnh Nghệ An.

Đề thi môn Văn vào lớp 10 ở một tỉnh bị giáo viên nhận xét "chưa được phù hợp với lứa tuổi" - Ảnh 1.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023 ở Nghệ An. Ảnh: HM

Đưa ra đánh giá về đề thi này, Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét như sau: Cấu trúc đề thi không thay đổi so với các năm trước, dù không thể hiện rõ nhưng có thể thấy đề thi đang hướng theo trục chủ đề "khát khao tuổi trẻ"; đây là một hướng đi mới phù hợp với việc dạy học Ngữ văn trong thời gian gần đây.

Sự phân hoá được đảm bảo dù mức độ phân hóa có giảm nhẹ để phù hợp với tình hình dạy và học nhiều khó khăn vừa qua.

Cụ thể nhận định về từng phần như sau:

Phần đọc hiểu: Ngữ liệu được lựa chọn khá hay, tuy nhiên, như đã nói trên, do mức độ phân hóa được giảm nhẹ nên 4 câu hỏi thành phần khá đơn giản, đặc biệt là hai câu hỏi nhận biết. Câu hỏi thông hiểu cũng đã xác định sẵn biện pháp tu từ, chỉ yêu cầu học sinh nêu tác dụng. Câu hỏi vận dụng nếu điều chỉnh câu hỏi thành "Đoạn trích đã cho em suy nghĩ gì về ý nghĩa của những ngày nghỉ hè đối với học sinh?" sẽ gần gũi và rõ ràng hơn về cách hỏi.

Phần Nghị luận xã hội: Tương tự với cách ra đề của năm trước, đề thi yêu cầu viết bài văn tập trung vào một khía cạnh của vấn đề. Cách hỏi này có tính phân hóa, kiểm tra được thao tác phân tích và tổng hợp của thí sinh.

Vấn đề nghị luận "sự cần thiết phải nuôi dưỡng những niềm đam mê đẹp đẽ của mỗi người trong cuộc sống" khá quen thuộc với thí sinh. Tuy vậy, so với năm trước (vai trò của tính tự lập đối với giới trẻ), vấn đề này tuy vẫn có ý nghĩa giáo dục cao song chưa được phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đề bài sẽ tương thích hơn với học sinh sắp tốt nghiệp cấp THPT, với nhiều đam mê tốt đẹp gắn với định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Phần Nghị luận văn học: Thống nhất với mạch chủ đề ngầm của đề thi, việc lựa chọn tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long với vấn đề nghị luận quen thuộc (nhân vật anh thanh niên) là tất yếu.

Việc dẫn ra đoạn trích trong đề giúp thí sinh không bị áp lực ghi nhớ dẫn chứng để phân tích, hoàn toàn là lựa chọn hợp lý cho tình hình thực tế của năm học vừa qua.

Vấn đề nghị luận tập trung vào phẩm chất của nhân vật anh thanh niên thể hiện qua quan hệ giữa anh và công việc cũng như với cuộc sống riêng của bản thân hiển hiện rất rõ qua đoạn trích. Tuy dễ viết, quen thuộc nhưng đây cũng là một vấn đề khó viết hay, khó nêu lên những cảm nhận tinh tế, đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân. Do vậy, cách viết giàu cảm xúc sẽ trở thành một lợi điểm cho số ít thí sinh sở hữu thế mạnh này.