Cuối năm thứ ba Diên Hựu (1314-1320), niên hiệu của hoàng đế Nguyên Nhân Tông, khi nhà nhà tất bật sắm sửa đón năm mới cũng là thời điểm trộm cắp hoành hành.
Một tối, có tên trộm lẻn vào nhà hàng xóm là người đàn bà mất chồng đã hơn hai năm. Hắn lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, nấp trong góc tường ngoài phòng, tính đợi gia chủ ngủ say rồi vào ăn cắp. Nhưng hắn không ngờ lúc này lại có tiếng đập cửa.
Góa phụ vội chạy ra mở cửa, đưa một kẻ đang say khướt vào phòng. Tên trộm làm ướt ngón tay, chọc lỗ trên giấy dán cửa sổ, quan sát bên trong, thấy gã đàn ông lớn tiếng chửi bới, đánh đập góa phụ rồi ngủ thiếp đi. Cô ta không dám phản kháng, chỉ khóc lóc: "Hơn hai năm trước, ta vì ngươi mà giết phu quân, phân xác giấu dưới giường sưởi. Giờ cái giường sưởi này không thể dùng lại không dám đem ra chôn, cũng không biết thi thể tiêu hết chưa, còn ngươi lại quay ra hành hạ ta".
Nghe vậy, tên trộm điếng người. Ai cũng biết chồng cô ta bị sát hại, nhưng kẻ bị quan phủ kết án là người khác, bây giờ lại nói hung thủ thật sự là mình, thi thể vẫn còn giấu trong nhà. Biết được bí mật này, tên trộm chợt nảy ra một cơ hội phát tài, không buồn ăn cắp nữa mà nhảy qua tường bỏ đi.
Hôm sau, tên trộm xông vào một xưởng mộc có hàng trăm nhân công ở kinh thành, nói muốn bán tin tức để lấy tiền thưởng. Các thợ mộc ở đây đang treo thưởng lớn để tìm manh mối vụ án khiến quản đốc bị xử trảm một năm trước.
Không tin tên trộm, mọi người quyết định trả trước một nửa tiền cho hắn và sẽ thanh toán số còn lại sau khi chân tướng được làm rõ.
Cùng ngày hôm đó, tên trộm dẫn đám người đến trước nhà góa phụ, theo dõi hắn từ xa. Hắn vờ say rượu xông vào phòng chòng ghẹo. Khi cô ta hét lên, hàng xóm xung quanh chạy tới mắng chửi, đòi đánh tên trộm. Hắn nhảy lên trên giường sưởi, vội vàng lật chiếu, lật gạch vờ định đánh nhau.
Khi giường gạch bị nhấc lên, một đống xương trắng bên dưới đột nhiên hiện ra trước mặt mọi người, góa phụ hoảng hồn ngã quỵ xuống đất. Nhóm thợ chờ ngoài cửa cũng xông vào, cùng nhau lật tung giường sưởi, để lộ hoàn toàn bộ thi thể.
Góa phụ bị bắt giải lên quan phủ, khai nhận sự thật.
Theo đó, hơn hai năm trước, tại xưởng mộc, quản đốc họ Vương xung đột với một người thợ họ Trương (chồng của góa phụ). Dù đuối lý, Vương ngại mất mặt nên không chịu thừa nhận sai lầm, hai người liền tuyệt giao. Làm mất lòng quản đốc, Trương phải chịu nhiều chèn ép suốt sáu tháng ở xưởng.
Cuối năm, mọi người trong xưởng góp tiền mua rượu và thức ăn, lôi kéo Trương đến nhà quản đốc ăn tối để xoa dịu mối quan hệ. Tất cả trò chuyện cởi mở, uống rượu vui vẻ hòa giải, mãi tới khuya mới say khướt ra về.
Trương được vợ đỡ vào nhà, đưa vào giường nghỉ. Sau đó, cô ta bất thình lình trùm chăn lên đầu chồng. Người đàn ông đang say không có sức phản kháng, bị hại chết ngạt.
Vợ Trương đã lén ngoại tình từ lâu, không ít lần bàn bạc với nhân tình tìm cách sát hại chồng để được thoải mái ở bên nhau. Đêm đó, thấy chồng say bí tỉ, gặng hỏi mới biết anh ta đi uống rượu với kẻ thù, cô ta lập tức nghĩ đây là cơ hội tốt...
Sáng sớm hôm sau, vợ đi khắp nơi nói chồng cả đêm không về. Người trong xưởng kể lại chuyện tối qua, quản đốc nói chồng cô uống rượu xong đã về luôn. Nhưng cô ta khóc kêu không tin, chạy đi tố cáo quản đốc giết chồng để trả thù riêng.
Quản đốc Vương nhanh chóng bị quan phủ bắt giữ. Trong tù, ông ta bị đánh đập tra khảo đến khi không thể chịu đựng được, phải thừa nhận đã giết Trương. Nhưng Vương không thể khai ra được thi thể ở đâu. Không còn cách nào, Vương bịa chuyện đã ném xác xuống con sông trong thành. Lời nói dối này khiến hai nha dịch bị phái đi tìm thi thể khốn đốn, mất mấy ngày mà không có kết quả.
Lúc này, vụ án đã được báo cáo lên các quan lại phụ trách trị an ở kinh đô. Các nơi rất coi trọng vụ án này, đốc thúc giải quyết càng sớm càng tốt. Áp lực từ cấp trên khiến quan phủ gia hạn cho hai nha dịch trong 10 ngày phải tìm được thi thể để kết án, nếu không sẽ bị phạt roi.
Kỳ hạn 10 ngày qua đi, hai người chưa tìm thấy thi thể. Họ được gia hạn 7 ngày, 5 ngày, rồi ba ngày, vẫn không có kết quả. Trong thời gian đó, họ đã phải nhận 4 lần phạt roi.
Sợ bị đánh chết, hai người nảy ý đồ dùng thi thể khác thay thế, qua mắt quan trên. Khi đi dọc bờ sông lúc trời tối, họ thấy một ông già cưỡi lừa băng qua cây cầu gần đó. Nhân lúc xung quanh không có ai, cả hai chạy tới đẩy ngã ông lão xuống nước, để mặc chết chìm. Con lừa bị dọa bỏ chạy.
Hai tên cố chịu thêm vài ngày đòn roi, đợi thi thể dưới nước thối rữa không nhận dạng được mới báo cáo. Dẫu vậy, họ vẫn lo sợ bị vợ nạn nhân phát hiện. Tuy nhiên, khi được quan phủ gọi đến nhận dạng, người vợ lập tức xông lên gào khóc, khẳng định đây chính là chồng mình. Sau đó, cô ta bán trang sức, vội vã chôn cất.
Còn người nhà của ông lão cưỡi lừa đợi cả đêm không thấy ông về, chia nhau đi tìm suốt mấy ngày. Đang sốt ruột, họ bỗng thấy một người qua đường khoác áo da lừa, rất giống màu lông con lừa nhà họ nuôi.
Gia đình nghi ngờ xông lên giật miếng da lừa của người nọ, vừa mở ra thấy vết máu dưới lông còn chưa khô hẳn, rõ ràng là con lừa mới bị giết. Bị chất vấn, người nọ ngắc ngứ không trả lời được da lừa từ đâu mà có, sau đó mới nói bắt gặp con lừa chạy rông trên đường, nhưng không ai tin.
Gia đình bắt anh ta đưa đến quan phủ. Bị tra tấn bức cung, anh ta thừa nhận đi cướp của, ông lão chống cự nên ra tay sát hại. Tuy nhiên, anh ta không thể nói ra thi thể ở đâu, nhiều lần thay đổi lời khai, bị đánh đập liên tục đến khi sức khỏe kiệt quệ và chết trong tù, vụ án đành phải kết thúc qua loa.
Một năm sau, hồ sơ vụ án người thợ họ Trương bị sát hại được phê duyệt, triều đình quyết định xử trảm quản đốc Vương. Ngày hành quyết, những người thợ cùng uống rượu hôm ấy khóc lóc kêu oan cho ông nhưng cuối cùng không thay đổi được bản án.
Một số thợ không cam lòng, rủ nhau góp 100 tờ tiền, treo thưởng lớn tìm manh mối. Đến một năm sau, họ mới biết được chân tướng từ tên trộm.
Quan phủ sửa đổi bản án, cách chức các quan viên đã kết án sai cho quản đốc Vương, phán xử trảm hai nha dịch giết người lấy xác, góa phụ và gã nhân tình bị xử ngũ mã phanh thây. Còn người đàn ông chết oan trong ngục thì không có ai chịu đứng ra giúp rửa sạch oan khuất, cuối cùng vụ án bị đè xuống để tránh liên lụy thêm quan lại.
Chuỗi án oan gây phẫn nộ tại kinh thành Đại Đô này được Tống Bản ghi lại thành truyện Công ngục trong tác phẩm Chí trị tập để cảnh tỉnh đời sau. Vụ án này sau đó được giới thiệu trong Tuyển tập tiểu thuyết Nguyên Minh Thanh (1984).
Tống Bản (1281-1334) từng làm quan đến chức Tập hiền điện học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu dưới triều Nguyên trong bối cảnh kinh tế xã hội suy thoái và chính trị rối ren.