Dân Việt

Nông dân Hà Nam trồng lúa thân thiện môi trường, năng suất lúa tăng 10%

Minh Ngọc 14/06/2022 11:07 GMT+7
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai vận động nông dân sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri xử lý rơm rạ thành phân bón trên đồng ruộng sau thu hoạch.

 Theo đánh giá trên các diện tích triển khai mô hình năng suất lúa tăng từ 10% so với các diện tích không sử dụng chế phẩm sinh học (tùy vào từng giống lúa).

Năng suất lúa tăng từ 5-10%

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Hà Nam về thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri của để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch, vận động người dân tham gia.

Theo ông Đạt, sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch được Hội Nông dân tỉnh triển khai từ năm 2019. Ban đầu mô hình này được thực hiện thí điểm tại xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm) và xã Đồng Du (huyện Bình Lục) với quy mô 5ha, gồm 6 hộ tham gia.

Trồng lúa thân thiện, năng suất tăng, chi phí giảm - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững kiểm tra mô hình bể thu gom vỏ thuốc BVTV tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: Minh Ngọc

Ông Phạm Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết: Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững sẽ phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất cho hội viên nông dân.

Để giúp người dân nắm rõ, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị quán triệt triển khai, phổ biến nội dung thực hiện mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch cho 600 cán bộ, hội viên nông dân được chọn.

Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình đến 100% Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón.

Ông Trần Văn Quyền, nông dân xã Vũ Bản, huyện Bình Lục chia sẻ: "Sau khi được Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền về sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch gia đình ông đã áp dụng và hiệu quả là tiết kiệm được chi phí mua phân bón".

Ông Quyền cho biết, lượng phân bón cho lúa, đặc biệt là đạm giảm từ 10-15% so với diện tích không sử dụng chế phẩm, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cũng giảm 10-15% và năng suất tăng so với diện tích không sử dụng chế phẩm từ 5-10%.

"Khi sử dụng chế phẩm Sumitri để ủ rơm thay phân bón, lúa cứng cây hơn nên khả năng chống đổ tốt, nhất là lúa mùa khi gặp mưa bão. Ngoài ra, giúp cây lúa hấp thụ phân bón hỗ trợ tối đa, hạt lúa cũng mẩy và cho năng suất cao hơn trước..." - ông Quyền nói.

Xây dựng bể thu gom vỏ thuốc BVTV

Ông Trần Văn Cương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục, Hà Nam cho biết, hiện trên toàn địa bàn huyện đã xây dựng được trên 700 bể chứa vỏ thuốc BVTV. Riêng đối với xã Vũ Bản xây dựng được 125 bể trên các xứ đồng.

Theo ông Cương dưới đáy các bể đều có lớp lưới chắn, bên trên có đắp đậy. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch sẽ có một đội thu gom vỏ thuốc BVTV để đem đi tiêu hủy.

Ông Nguyễn Đức Ngọc - Chủ tịch UBND xã Đức Lý, huyện Lý Nhân cho biết: Khoảng 4-5 năm trở lại đây, xã Đức Lý đã thực hiện lắp đặt các bể chứa rác thải nông nghiệp nguy hại tại đầu các cánh đồng. Bình quân mỗi thôn có từ 4-5 bể chứa. Sau khi các bể chứa đầy, tổ thu gom rác thải của các thôn thực hiện vận chuyển ra bể trung chuyển tập trung của xã. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, toàn bộ rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp đã được đơn vị vận chuyển đi định kỳ theo tháng, quý... Trong giai đoạn 2018-2020, một trong những nội dung hai bên đã phối hợp xây dựng được 105 mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ; lắp đặt 530 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Ngày 3/6, Hội Nông tỉnh Hà Nam và Sở NNPTNT tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp.

Trong đó, trọng tâm là phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn nông dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất; chất lượng sản phẩm;... Phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ diện tích sản xuất VietGAP trong tỉnh đạt 15-20%; số lượng vùng trồng được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu đạt 5-10% diện tích sản xuất nông nghiệp; phối hợp hướng dẫn thành lập mới 1 Liên hiệp HTX và 30 HTX mới; hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 30 chi hội nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; có từ 3.000 - 5.000 nông dân được tham gia đào tạo nghề nông nghiệp. 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường và văn hoá trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới…