Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (SN 1991, trú tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bỗng nhiên trở thành "con nợ" với số nợ 56 triệu đồng.
Chị Ngọc kể, ngày 13/5, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, kiểm tra thông tin để hướng dẫn cách nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19. Chị Ngọc bất ngờ vì trước đó bản thân và gia đình không mua bảo hiểm của Bảo Minh.
Nhưng sau một hồi bị thuyết phục cùng các dữ liệu thông tin được đưa ra từ người phụ nữ này đúng với gia đình, chị Ngọc đồng ý gặp để nhận tiền hỗ trợ.
Ngay trong chiều hôm đó, có 2 người đàn ông nói giọng Bắc hẹn gặp chị Ngọc ở quán cà phê và đưa ra các gói chương trình hỗ trợ. Sau đó chị Ngọc nhận được 820.000 đồng từ 2 người đàn ông. Điều bất ngờ là thủ tục nhận tiền rất đơn giản, 2 người đàn ông lạ mặt chỉ yêu cầu chị Ngọc cho phép họ chụp ảnh chứng minh nhân dân và ảnh chân dung trực tiếp của chị.
Đến ngày 7/6, chị Ngọc bất ngờ nhận được điện thoại từ phía Trung tâm An ninh Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng FE CREDIT (viết tắt là Trung tâm An ninh FE CREDIT) xác minh về hợp đồng vay tín dụng tại Công ty Tài chính FE CREDIT với số tiền 56 triệu đồng thì chị mới biết là mình đã bị lộ lọt thông tin cá nhân cho nhóm đối tượng trên thực hiện vay tiền qua mạng.
Ngay sau đó, chị Ngọc báo sự việc với Trung tâm An ninh FE CREDIT, bởi hợp đồng vay tiền có thông tin của chị Ngọc nhưng số điện thoại, email và tài khoản ngân hàng không đúng.
Sau khi kiểm tra, Trung tâm An ninh FE CREDIT đã xác nhận khoản vay mà phía công ty này giải ngân trước đó không liên quan đến hợp đồng tín dụng mang tên chị Ngọc.
Đại diện Trung tâm An ninh FE CREDIT cho chị Ngọc biết là có thể từ thông tin cá nhân của chị trong hợp đồng mua trả góp trước đó với công ty, các đối tượng đã lợi dụng sở hở để tiếp cận, rồi soạn sẵn một hợp đồng vay tiền qua ứng dụng điện tử. Khi gặp gỡ, chúng chụp ảnh chân dung tôi để xác nhận thay cho chữ ký để hoàn tất hợp đồng. Sau đó, số tiền giải ngân sẽ được chuyển về tài khoản của nhóm này.
Không riêng chị Ngọc, chỉ trong ngày 13/5, trên địa bàn 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) có 3 trường hợp bị lừa tương tự, với số nợ từ "trên trời rơi xuống" lên tới hơn 50 triệu đồng mỗi người.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài địa bàn huyện Cam Lộ, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng xuất hiện một nhóm đối tượng giả danh nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Trị liên hệ với người dân với lý do công ty bảo hiểm thanh toán tiền bảo hiểm hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19.
Thủ đoạn của các đối tượng là gặp gỡ người dân rồi đề nghị lấy thông tin cá nhân bằng cách chụp ảnh thẻ căn cước công dân và ảnh chân dung khách hàng, sau đó hỗ trợ cho họ số tiền mặt 820.000 đồng. Vì tin tưởng nên một số bà con đã nhận tiền, cung cấp các thông tin trên cho nhóm đối tượng.
Sau khi nắm thông tin về các vụ việc, đơn vị đã tổ chức xác minh, làm rõ chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng; đồng thời, tham mưu văn bản gửi các cơ quan công an huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường tuyên truyền thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng nói trên; đối với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.