Dân Việt

Vụ SAGRI: Chưa thể tuyên án các bị cáo

Chinh Hoàng 10/06/2022 11:09 GMT+7
Thời gian dự kiến tuyên án vụ SAGRI được HĐXX ấn định mới vào ngày 15/6 do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cũng như bị cáo kêu oan.

Sáng 10/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM), Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc SAGRI) và đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại SAGRI.

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn tiếp tục kêu oan

Bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) vẫn cho rằng mình bị oan. Theo bị cáo Tuấn, việc kháng cáo kêu oan không phải là không thành khẩn, cố chấp để bảo vệ cái sai mà vì bị cáo cho rằng dự án này không phải đấu giá.

Vụ SAGRI: Chưa thể tuyên án các bị cáo vì lí do gì? - Ảnh 1.

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn tiếp tục kêu oan tại phiên phúc thẩm vụ SAGRI. Ảnh: Chinh Hoàng

Bị cáo Tuấn phân tích: Quyết định số 6077 chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án là phù hợp quy định của pháp luật. 

Quyết định này là văn bản hành chính cá biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản, không phải là văn bản cho phép chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại SAGRI. 

Nếu không có quyết định này thì các bên không thể chuyển nhượng dự án bất động sản.

Vụ SAGRI: Chưa thể tuyên án các bị cáo vì lí do gì? - Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án SAGRI. Ảnh: Chinh Hoàng

Đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc SAGRI vi phạm pháp luật khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án, mà vì đơn vị không chấp hành chỉ đạo của UBND trong quyết định số 6077. Và khi phát hiện sai phạm, SAGRI đã hủy hợp đồng với Phong Phú và đây là giao dịch hợp pháp. Doanh nghiệp chủ động sửa sai và được khắc phục, trước khi khởi tố vụ án.

Tài sản nhà nước không bị thất thoát từ việc chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư trong dự án này. Và án sơ thẩm không buộc bị cáo nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản nên bị cáo không thể phạm tội theo Điều 219 Bộ luật Hình sự - là loại tội phạm cấu thành vật chất, buộc phải có thiệt hại xảy ra và phải bồi thường thiệt hại.

Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Trọng Tuấn, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Tuấn đã có hành vi sai phạm trong việc tham mưu cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Bị cáo Tuấn khi đó là Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Ý thức được tầm quan trọng trong việc thẩm định hồ sơ, bị cáo buộc phải biết chuyển nhượng tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật quản lý vốn… nhưng bị cáo chỉ thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản là thiếu sót. VKS ghi nhận quá trình công tác, bị cáo Tuấn có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen.

Tuy nhiên, VKS xác định không oan sai, án sơ thẩm xử phạt bị cáo Tuấn sáu năm tù là có căn cứ. Đồng thời, VKS còn đề nghị HĐXX chấp nhận số tiền Nhà nước thiệt hại theo kháng nghị là 673 tỷ đồng, không phải là 348 tỷ như án sơ thẩm tuyên.

VKS đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng

Tại phần tranh luận chiều hôm qua (9/6), theo VKS, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến với cương vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường… nhưng đã đồng ý chấp thuận việc chuyển nhượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 tỷ đồng.

Vụ SAGRI: Chưa thể tuyên án các bị cáo vì lí do gì? - Ảnh 4.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến được HĐXX giảm án. Ảnh: Chinh Hoàng

VKS khẳng định, bản án sơ thẩm xử phạt ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) cùng các đồng phạm là đúng người, đúng tội.

Án sơ thẩm xử phạt bị cáo Tuyến 6 năm tù và ông có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mong sớm đi thi hành án (hiện đang tại ngoại). Theo VKS, gia đình ông Tuyến có công với cách mạng, có đóng góp trong công tác phòng chống Covid-19 nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông từ 6 tháng đến 1 năm tù.

Đối với bị cáo Lê Tấn Hùng, trong giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc SAGRI, bị cáo Hùng biết dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng... nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Công ty Phong Phú).

Vụ SAGRI: Chưa thể tuyên án các bị cáo vì lí do gì? - Ảnh 5.

Bị cáo Lê Tấn Hùng cũng được HĐXX đề nghị giảm án. Ảnh: Chinh Hoàng

Ngoài ra, bị cáo Hùng còn chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.

Với kháng cáo của ông Hùng, chủ mưu trong vụ án, xin giảm nhẹ hình phạt (án sơ thẩm tuyên phạt 25 năm tù về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí), VKS xác định ông Hùng thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông này 6 tháng đến 1 năm tù.

Cũng tại phiên tòa sáng nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn cho rằng cần hủy án hoặc giảm sâu cho bị cáo hưởng mức án ba năm án treo…