Chủ nhân của cửa hàng sách chia sẻ hành trình đem những trang sách cũ đến với giới trẻ Thủ đô. Clip: Phương Linh- Nguyễn Tùng
Từ lâu, trong giới yêu sách Hà Nội đã lưu truyền "sự tích" về một hiệu sách cũ tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại mang trong mình "một kho tàng tri thức vô giá". Nơi này mang tên Sách cũ Hà Thành, toạ lạc tại một con ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị.
Bước vào hiệu sách đặc biệt này, những vị khách như lạc vào một "thế giới ngập tràn sách" với hàng nghìn quyển sách đang được xếp trên những chiếc kệ, tủ cùng một không gian thoang thoảng mùi hương của những trang sách cũ.
Ông chủ của hiệu sách cũ này là anh Lê Văn Hợp (38 tuổi), một người yêu sách và đặc biệt có niềm đam mê với những cuốn sách đã nhuốm màu tháng năm.
Anh Hợp kể rằng, bản thân anh là một người thích đọc và sưu tầm sách. Cũng bởi vì vậy, anh luôn muốn sở hữu những quyển sách cùng nội dung nhưng khác nhau ở bản dịch, năm tái bản, nhất là tác phẩm của những vị tác giả mà mình yêu thích.
"Những cuốn sách mình sưu tầm, một phần là dành cho bản thân, một phần để chia sẻ cho bạn bè, cho cộng đồng yêu sách. Ngoài ra, những tác phẩm có tính biểu tượng như "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lịch triều hiến chương loại chí",... luôn là mối quan tâm hàng đầu của mình", anh Hợp bộc bạch.
Anh Hợp sống cùng gia đình nên đôi khi việc mở tiệm sách cũng gây ra không ít bất tiện. Anh Hợp kể, những năm đầu hiệu sách đi vào hoạt động, nhận thấy số sách nhập về ngày càng nhiều, gia đình đã nhiều lần tỏ ý không đồng tình. Nhưng khi hoạt động dần đi vào quỹ đạo, nơi đây thu hút được nhiều sự quan tâm và yêu mến của công chúng, gia đình anh vì thế cũng bắt đầu thấu hiểu hơn về niềm đam mê của con trai và tạo điều kiện để anh tiếp tục theo đuổi công việc.
Sau đó, qua hoạt động trao đổi, mua bán sách, anh Hợp có thêm nguồn vốn để làm giàu cho "kho tàng" đồ sộ này. Đến hiện tại, sách tại Sách cũ Hà Thành đã lên tới con số 30.000 cuốn thuộc nhiều thể loại khác nhau như văn học, địa lý, lịch sử, kinh doanh,...
Đối với anh Hợp, cuốn sách nào cũng vô cùng đắt giá. Tuy nhiên, anh có niềm quan tâm đặc biệt với những tác phẩm của cụ Nguyễn Lê - một trong những vị học giả uy tín nhất của Việt Nam, cụ đã cống hiến cho đời 120 tác phẩm với nhiều thể loại như: văn hoá, lịch sử, sách làm người, tu thân dưỡng tính,... Hiện tại, anh đang sở hữu 100 tác phẩm của vị học giả này.
Ngoài ra, những cuốn sách cũ được xuất bản từ những năm 50 hoặc những tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Việt Nam trước năm 45 như Nguyễn Công Hoan, các nhóm Tự lực văn đoàn, Vũ Bằng,... cũng được anh Hợp vô cùng trân trọng, nâng niu.
Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng văn hoá đọc sách, cụ thể là đọc sách giấy đang ngày càng bị mai một và có xu hướng biến mất trong tương lai gần. Nhưng anh Hợp lại không đồng tình với quan điểm này. Thông qua báo đài, mạng xã hội, anh nhận thấy vẫn còn rất nhiều bạn trẻ yêu thích và có nhu cầu đọc sách.
Tuy các thiết bị hiện đại phát triển mạnh nhưng không vì thế mà niềm yêu thích sách, những người đam mê đọc sách không còn tồn tại. Trái lại, cộng đồng này vẫn luôn âm thầm trao đổi và kết nối với nhau qua các diễn đàn khác nhau. Theo anh, văn hoá đọc không bao giờ có thể hoàn toàn mất đi, sách vẫn sẽ luôn là "món ăn" tinh thần bổ ích cho những ai mang trong mình tình yêu văn chương.
Anh Hợp kể thêm, sách không chỉ đem lại kiến thức, nó còn là phương tiện để tìm kiếm những bạn sách trung thành, kết nối được với nhiều bạn bè cùng chung sở thích. Và một khi sách vẫn còn, cộng đồng người yêu sách sẽ luôn tồn tại và phát triển tích cực, văn hoá đọc cũng vì thế không dễ dàng bị mai một.
Còn đối với những quyển sách cũ, chúng sẽ luôn có một vị trí của riêng mình trong cộng đồng người yêu sách. Không chỉ hấp dẫn bởi lượng kiến thức đồ sộ được ông cha ta để lại, chúng còn đặc biệt ở chỗ luôn ẩn giấu những dòng đề bút, lời gửi gắm thâm tình hoặc một vài nét nguệch ngoạc của những người chủ cũ. Đôi khi, bên trong những quyển sách này cũng lưu giữ những kỷ vật bị bỏ quên như một tờ tem, tấm thiệp cưới hay một tờ tiền giấy.
Khó khăn lớn nhất trong hành trình sưu tầm sách cũ là việc nguồn sách đang dần dần cạn kiệt, nhiều quyển sách đã bị đưa đi tái chế, bị thất lạc hoặc ẩm mốc. Nhưng đối với anh Hợp, những giá trị truyền thống, văn hoá, giáo dục,... còn sót lại từ những trang sách cũ của ông cha ta là một điều thiêng liêng, xứng đáng để anh không ngừng cố gắng và kiên trì theo đuổi sứ mệnh này từng ngày.