Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Đỗ Chiến, thầy giáo dạy Toán ở Hà Nội và là tác giả sách "Đột phá 9+ môn Toán Kỳ thi vào 10 THPT" chia sẻ kinh nghiệm ôn và làm bài tốt, bí kíp ôn thi môn Toán vào lớp 10 đạt điểm cao khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ thi này ở Hà Nội.
Theo thầy Chiến, trước hết thí sinh phải chuẩn sức khỏe tốt. Cụ thể là ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể thao dễ gây chấn thương, tập thói quen ăn uống, nghỉ ngơi và học đúng khung thời gian so với lịch thi chính thức.
Các em cần có tinh thần lạc quan, không quá lo lắng, áp lực với kỳ thi. Không nên ôm đồm, học thêm các dạng mới mà cần xem lại các dạng đã được thầy cô luyện tập. Nên rà soát, hệ thống lại toàn bộ kiến thức, ghi ra giấy tóm tắt lại những kiến thức đã học nhưng bị quên. Phân chia thời gian hợp lý cho các môn, môn nào yếu nhất nên dành thời gian nhiều hơn để học. Xem lại kĩ cách trình bày từng dạng toán, xem đáp án và biểu điểm của Sở năm trước để không bị trừ các lỗi sai lặt vặt.
Bài tính giá trị biểu thức, rút gọn nên thử lại kết quả bằng máy tính. Câu hỏi phụ bài rút gọn nên đọc kỹ đề bài, chú ý kết hợp điều kiện, nếu chưa làm được cả ý lớn thì biết đến đâu trình bày đến đó, tận dụng để có thể lấy được tối thiểu 0,25 điểm.
Bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình cần chú ý phải giải theo cách lập phương trình, hệ phương trình, không được làm theo các cách giải ở tiểu học. Khi gọi ẩn cần ghi rõ đơn vị, đặt điều kiện cho ẩn. Các bước lập luận chặt, chính xác, không ghi tắt, các đại lượng khi lập cần phải ghi đủ đơn vị.
Khi giải phương trình, hệ phương trình cần kết hợp điều kiện để loại hoặc nhận nghiệm, sau đó cần kết luận bài toán. Khi giải ra nghiệm quá xa thực tế ( ví dụ vận tốc xe máy là 120km/h, quãng đường giữa hai địa phương là 50m…) thì cần phải kiểm tra lại bước lập phương trình, hệ phương trình đã đúng hay chưa để điều chỉnh lại. Nên lập phương trình, hệ phương trình ra nháp và giải trước, kiểm tra lại bằng máy tính sau đó mới trình bày vào bài thi.
Bài toán hình không gian thường ở mức cơ bản, đề thường chỉ yêu cầu học sinh nhớ và áp dụng công thức nên đây là câu rất dễ lấy điểm. Học sinh cần ôn kĩ, ghi lại các công thức tính thể tích, diện tích hình: Nón, Trụ, Cầu.
Học sinh chú ý quy tắc làm tròn do đề bài yêu cầu.
Bài toán giải phương trình, hệ phương trình, hàm số bậc nhất; hàm số bậc hai; Hệ thức Vi-et và bài toán liên quan cần đọc kỹ đề bài phân tích bài toán thật kĩ, gạch chân các từ quan trọng, chú ý điều kiện để áp dụng (mẫu khác 0, biểu thức dưới căn bậc hai không âm)...
Bài hình học tổng hợp: Chú ý vẽ hình chính xác theo yêu cầu bài toán (ví dụ bài toán cho tam giác ABC có AB>AC mà vẽ thành AB<AC toàn bộ bài hình không được chấm điểm), không nên vẽ hình ở trường hợp đặc biệt (ví dụ cho tam giác ABC thì nên vẽ tam giác thường không nên vẽ tam giác vuông, tam giác cân, đều).
Xem lại phần tóm tắt lý thuyết hình học: mục 15. Dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp trong SGK hình học để nắm vững các dạng chứng minh tứ giác nội tiếp, cần lập luận chặt chẽ, nêu đủ lý do cho mỗi ý chứng minh. Phần câu hình chưa nghĩ ra được nên lập sơ đồ tư duy ngược, muốn chứng minh, tính toán ý này thì cần các yêu cầu gì, từ đó sẽ dễ dàng tìm ra cách làm hơn.
Ý cuối hình và bài đại số cuối cùng là những câu phân loại khó nên cần tư duy, liên kết các kiến thức đã học để tìm mối liên hệ giữa các kiến thức đã biết với bài toán cụ thể đang làm. Cần dành thời gian rà soát kỹ toàn bộ các bài đã làm phía trên. Khi kiểm tra không còn sót ý, sót bài, bài đúng hết mới làm các ý cuối. Chúc các em thi tốt, đạt điểm cao, đỗ nguyện vọng 1 vào trường mà mình yêu thích!”.
Ngoài lưu ý về ôn thi môn Toán vào lớp 10, giáo viên Trường THCS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đưa ra tư vấn cho học sinh khi làm bài thi.
Làm bài thi môn tự luận môn Toán: Các em cần ghi đầy đủ các thông tin trên tờ giấy thi, không được viết, vẽ, ghi kí hiệu bất thường trên bài thi. Những bài thi như vậy không có lợi cho thí sinh.
Đọc thật kỹ đề bài và ghi nhanh ra nháp những ý tưởng và chú ý của từng câu. Khi làm bài chọn câu dễ để làm trước nhưng thường đề thi đã thiết kế theo trình tự từ dễ đến khó nên có thể làm tuần tự cũng được. Gặp câu hỏi khó, tạm để đó và làm những câu dễ khác trước.
Cần trình bày bài thật cẩn thận, không làm tắt, không viết tắt, cần có kết luận về kết quả của từng câu. Đối với bài hình học, cần kiểm tra kỹ xem hình vẽ đã chính xác với đề bài chưa (vì nếu vẽ sai hình, bài hình sẽ bị điểm 0), các câu hỏi cần lập luận chặt chẽ, có ghi lý do khi chứng minh, vẽ hình rõ ràng, đặc biệt là việc ghi tên các điểm trên hình (học sinh hay viết làm cho người chấm không phân biệt đươc M với N; E với F; O với D...).
Thí sinh nên mang đồng hồ khi đi thi để phân chia thời gian cho các câu thật hợp lý, không nên tập trung thời gian quá 15 phút cho một câu.
Nếu cảm thấy căng thẳng và hồi hộp quá, hãy tạm dừng làm bài khoảng 1 - 2 phút, thở đều và bình tĩnh lại, bắt đầu thật chậm lại các bài mà mình đang cảm thấy khó khăn.
Khi còn 20 phút nữa là hết giờ làm bài, học sinh không nên làm những câu khó, câu cuối cùng của bài thi mà nên dùng thời gian còn lại kiểm tra kết quả những bài đã làm trên nháp một cách độc lập. Khi nghi ngờ một câu nào đó sai, tạm kẻ bằng bút chì và kiểm tra đối chiếu thật kỹ lại, khi chắc chắn phương án nào đúng mới gạch bỏ phần sai đi, tránh trường hợp vội vàng gạch bỏ mà đó lại là phần làm đúng.
Tình huống gặp câu hỏi quá khó, học sinh nên bóc tách làm những ý nhỏ mà mình có thể, tránh mất điểm cả câu hỏi.
Làm bài thi môn Trắc nghiệm: Cần phải ghi đẩy đủ thông tin cá nhân và tô cẩn thận số báo danh và mã đề. Sau khi nhận đề cần đọc qua một lượt để xác định những câu dễ, câu mình có thể xử lý được trước. Sau đó tô đáp án những câu mình đã xử lý được. Khi tô cần tô kín hình tròn của đáp án mình chọn để khi chấm máy dễ nhận được, không bị lỗi.
Tiếp theo các em tiến hành xử lý các câu hỏi khó hơn, cố gắng liên kết kiến thức từ những vùng lân cận của câu hỏi đó để có sự lựa chọn tốt. Thời gian thi trắc nghiệm là 60 phút nên cần tận dụng tối đa. Những câu hỏi nào còn phân vân, tạm chọn một đáp án nào đó và đánh dấu kí hiệu phân vân ở đề để sau đó kiểm tra lại. Mặc dù có câu hỏi mình chưa biết, cũng nên thử vận may bằng cách tô một đáp án nào đó mà mình cảm thấy tự tin nhất, không nên bỏ trống một câu nào cả. Trường hợp sửa đáp án, học sinh cần phải tẩy sạch đáp án cũ và tô lại đáp án mới, không được để 2 đáp án trong một câu.
Tạm xa mạng xã hội trong những ngày thi
Việc trao đổi trên mạng xã hội, xem đáp án, trao đổi với bạn bè bài đã thi… không giúp cho bài đã thi đạt điểm cao hơn mà thậm chí làm cho tâm lý của học sinh hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng xấu đến môn thi tiếp theo. Vì vậy, thi xong các môn, học sinh không nên tìm kiếm và trao đổi về đáp án của môn thi mà hãy tạm xa mạng xã hội, không trao đổi với bạn bè… cần nghỉ ngơi để tập trung cho môn thi tiếp theo. Điều này cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định về tâm lý.